Nhìn lại một chặng đường

Thứ năm - 10/09/2015 12:45
 Khác với mọi ngày tôi đến trường hơi sớm, sân trường chỉ có bác bảo vệ đang tưới kiểng. Không khí se lạnh lúc giao mùa làm cho người ta thèm một ly cà phê nóng… tôi rảo bước sang quán đối diện trường. Ngồi một mình nhâm nhi ly cà phê ngắm ngôi trường “Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ” khang trang trước mặt bất giác cảm xúc đang ẩn nấp ở đâu “chạy ra”…tôi nhạy cảm quá chăng? Hay đó chỉ là tính đặc trưng của người làm Nghệ thuật…
          Mới đó mà đã 19 năm từ ngày thành lập trường và chỉ hơn chục ngày nữa thôi là thêm một năm nữa trôi qua ghi dấu ấn của trường. Hai mươi năm, một khoảng thời gian chưa phải dài nhưng cũng không ngắn so với một đời người. Theo dòng cảm xúc, những hình ảnh từ ký ức lần lượt hiện ra như đang chạy đua theo từng giọt cà phê thấm qua cuống họng. Thay thế cho hình ảnh ngôi trường khang trang trước mắt là hình ảnh ngôi trường tạm bợ cùng những phòng học tạm bợ của những ngày đầu thành lập.

          Ngày đó Trường có ba khoa do thầy Trần Quốc Lương làm Hiệu trưởng. Vì mới thành lập chưa xây cất kịp nên trường mượn tạm địa điểm khu tập thể Đoàn Cải lương Hậu Giang và Đoàn Ca Múa Cần Thơ ở hẻm 77 Ngô Quyền (bây giờ là trường Tiểu học Ngô Quyền đường Nguyễn Khuyến) để làm nơi giảng dạy. May mắn là một trong những học sinh khóa đầu của khoa Sân khấu nên tôi nhớ rất rõ. Có những ngày không đủ phòng học trường phải thuê phòng bên Câu lạc bộ Hưu trí để dạy, cả thầy và trò phải chạy tới chạy lui rất vất vả. Cơ sở vật chất thì nghèo nàn, đạo cụ, cảnh trí, phục trang để hỗ trợ giảng dạy cho khoa Sân khấu cũng chưa được đầu tư, sàn học múa thì ọp ẹp được đóng tạm từ những tấm ván cũ, những loại nhạc cụ để giảng dạy cho khoa Âm nhạc cũng rất hạn chế về chất lượng âm thanh…đó là chưa kể những hôm trời mưa lớn, nước ở sân trường ngập quá gối, thầy, trò phải xắn quần lội bì bõm để vào lớp, đến khi vào được lớp thì cảnh tượng cũng chẳng khá hơn là mấy, vậy mà thầy trò vẫn cùng nhau cố gắng vượt qua để dạy tốt, học tốt. Trong điều kiện vô cùng hạn chế và khó khăn đó mà trường vẫn đào tạo thành công hệ Trung cấp khóa đầu hai lớp Múa và Thanh nhạc.

          Rồi niềm vui được nhân lên gấp nhiều lần khi ngôi trường mới được xây xong tại số 188/35A đường Nguyễn Văn Cừ và đưa vào sử dụng năm 1999 sau bốn năm thành lập trường. Được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp nên cơ sở vật chất của trường được trang bị tương đối tốt, hỗ trợ rất nhiều trong việc giảng dạy cũng như sự thích thú của học sinh trong quá trình học tập qua đó nâng cao được chất lượng đào tạo, thu hút được học sinh ở các tỉnh nhiều hơn.
Một cảnh trong vở CÁNH ĐỒNG GIÓ lớp Diễn viên Kịch-Điện ảnh K7
       
        Niềm vui học trường mới được một năm thì tôi tốt nghiệp và công tác ở Đoàn Ca Múa Cần Thơ, sau đó chia tỉnh về Hậu Giang. Thời gian này tuy đã ra trường đi làm nhưng vì nhà ở gần trường nên tôi vẫn thấy được từng bước chuyển mình của trường. Lúc này trường đã mở rộng đào tạo nhiều chuyên ngành hơn, lượng học sinh theo học ngày một tăng lên đáng kể, đội ngũ giáo viên cũng được tăng cường và chuẩn hóa về trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó trường còn liên kết với các trường Đại học TP.HCM, Hà Nội… mở thêm các hệ đào tạo liên thông, hệ vừa học vừa làm bậc cử nhân ở các ngành như Quản lý Văn hóa, Sư phạm Âm nhạc, Hội họa, Thanh nhạc, Sáng tác Âm nhạc, Đạo diễn Sân khấu, Đạo diễn, Quay phim Điện ảnh - Truyền hình… Và như một cơ duyên tôi lại tiếp tục gắn bó với trường hơn bốn năm nữa khi theo học lớp Đại học Đạo diễn Sân khấu. Vậy đó, bao lớp học trò nối tiếp nhau ra trường đi xây đời là đồng hành cùng tóc trắng trên đầu Thầy, Cô điểm nhiều hơn.
           
Hình ảnh tốt nghiệp vở kịch DÒNG NHỚ của lớp Diễn viên Kịch-Điện ảnh K7
     
       Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng suốt mười mấy năm thầy và trò khoa Sân khấu không ít lần đạt giải cao cùng những tiết mục đạt HCV khi tham gia hội diễn các trường chuyên nghiệp toàn quốc. Theo năm tháng ngôi trường nhỏ bé vẫn đứng vững và âm thầm phục vụ, nó tự nhận mình là một mảnh đất để những người nông dân cần mẫn là đội ngũ giáo viên thỏa sức ươm những mầm xanh nghệ thuật, và trong những mầm xanh đó có không ít những người trở thành cán bộ nhà nước hiện nay, và có không ít những nghệ sĩ đã thành danh và đạt những giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật như: Nghệ sĩ Võ Minh Lâm (Chuông Vàng Vọng Cổ), Diễn viên Điện ảnh Phúc An, Phương Anh (HCV Triễn vọng Trần Hữu Trang), Nghệ sĩ Hồng Thủy (HCV Triển vọng Trần Hữu Trang, HCV giải Tài Năng Trẻ toàn quốc), Lê Duy (HCV Triển vọng Trần Hữu Trang)…Đổi lại những thành công đó là bao công sức của những Thầy, Cô lớn tuổi đã hoàn thành sứ mệnh và sự xuống cấp của ngôi trường cùng cơ sở vật chất, đó là quy luật không tránh khỏi của tự nhiên. Hình ảnh cũ lại xuất hiện trong tôi khi mặt bằng của trường thấp hơn rất nhiều so với mặt đường vừa được nâng cấp. Trời mưa lớn… tôi lại xắn quần lội bì bõm như mười mấy năm về trước chỉ khác ở chỗ tôi không còn là học sinh nữa mà là một trong số ít những người được vinh dự tiếp bước những người Thầy của mình truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau.

          Thấu hiểu được sự vất vả đó, năm 2013 mặc dù tình hình khó khăn chung nhưng lãnh đạo các cấp đã ưu ái cấp kinh phí nâng cấp sân trường và một số cơ sở vật chất mới. Thêm một lần nữa tôi chứng kiến niềm vui được nhân lên gấp nhiều lần của đội ngũ giáo viên và học trò của trường. Song, bên cạnh niềm vui đó là sự trăn trở của tập thể giáo viên về vấn đề phòng học. Mặc dù mới được nâng cấp nhưng do diện tích nhà trường quá nhỏ, học sinh thì ngày một tăng nên tình trạng thiếu phòng học và khuôn viên vui chơi của học sinh là điều không tránh khỏi, chưa kể thời gian tới trường được nâng lên Cao đẳng thì sao? Đồng ý là năm sau trường sẽ khởi công xây thêm một trệt bốn lầu ở mặt tiền phía trước nhưng chung quy lại nó vẫn rất hạn chế về diện tích, đó là chưa kể sự phát triển bùng nổ về công nghệ như hiện nay buộc người giáo viên phải có phương pháp giảng dạy mới, cập nhật thêm kiến thức mới để đào tạo các em theo kịp với sự phát triển của xã hội. Muốn làm được như vậy thì phương tiện dạy học cũng phải được nâng cấp và đổi mới. Có như vậy thì mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và thu hút được học sinh theo học. Khó khăn này kéo theo khó khăn khác… nuốt nhanh một ngụm cà phê tôi chợt lóe lên hy vọng khi nhớ đến khu đất 7,46 ha ở Long Tuyền, Bình Thủy được quy hoạch làm cơ sở hai của trường, giá như trường sớm được dời về đó thì chắc không có gì phải trăn trở nữa. Nhưng hy vọng tức thời đó sớm tan biến theo ngụm cà phê xuống dạ dày bởi vì tôi biết đó không phải là việc nhỏ mà ngày một ngày hai có thể tính được. Nhìn ly cà phê đã trơ đáy tôi tự nhủ “ Thôi thì cứ chờ, cứ hy vọng vậy!”

             Đưa lưỡi làm mềm đôi môi hơi khô vì thời tiết tôi thầm ước “Ước gì lãnh đạo các cấp sớm………..ước gì…” lúc đó thành phố Cần Thơ sẽ dần trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long về Văn hóa Nghệ thuật. Nếu điều đó là quá đáng thì tôi xin được lượng thứ. Chuông vào lớp vang lên, mọi thứ chỉ mới bắt đầu cho một ngày mới và giống như mọi người, tôi luôn mong một ngày mới tươi đẹp hơn.

          Cầu chúc cho mọi người luôn có một ngày mới tốt đẹp và ý nghĩa cùng một mùa xuân ấm áp và ngập tràn hạnh phúc…!
 
                                                                
 Từ khóa: bảo vệkhó khănhọc sinhtrường trungvăn hóanghệ thuậtcần thơthành lậpđào tạohiệu trưởng,thành côngâm nhạclần lượtsân khấutiểu họcnhạc cụcơ sởthời gianhỗ trợtập thểmay mắn

Tác giả: Trần Bảng - Khoa Sân khấu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi