Thơ ca hiện đại nên có thép (nghĩ về bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm của Bác Hồ)

Thứ năm - 17/01/2019 23:54
 THƠ CA HIỆN ĐẠI NÊN CÓ THÉP
(nghĩ về bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm của Bác Hồ)
                        
        1. Bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”) trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài thơ đặc biệt. Tác giả không nói chuyện trong tù như nhiều bài khác mà lại nêu rất rõ quan niệm  về thơ ca:

KHÁN “THIÊN GIA THI” HỮU CẢM
Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn, thủy, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong.
                       Dịch:
CẢM TƯỞNG ÐỌC “THIÊN GIA THI”
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
             (Theo bản dịch trong NKTT NXB Văn học - 1988)
    
        Đọc một tuyển tập thơ cổ,“Thiên gia thi”, Bác nêu lên nhận định về thơ ca từ nội dung thơ xưa đến chức năng của thơ ca hiện đại… Thơ ca hiện đại nên có thép, nên là vũ khí đấu tranh.
       2. Đề tài của thơ xưa “thiên ái” (ta hiểu là nghiêng về) mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông. Thơ ca thời kỳ Trung đại hay ca dao của Việt Nam,… cũng thường miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên không đơn thuần là đối tượng miêu tả mà còn là phương tiện nghệ thuật, hơn thế thiên nhiên đã trở thành các biểu tượng thơ ca. Chẳng hạn, dòng sông biểu trưng cho sự ngăn cách; hoa bướm biểu trưng cho chàng trai và cô gái… Đặc biệt, thiên nhiên từng được thi hào Nguyễn Du lấy làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh vẻ đẹp người con gái với nước mùa thu, núi mùa xuân:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
        Điều đáng chú ý là, khi nhận định thơ xưa nghiêng về cái đẹp của thiên nhiên, không có nghĩa là phản đối hoàn toàn việc sử dụng bức tranh thiên nhiên, hình tượng thiên nhiên trong thơ. 
        3. Nhận định về thơ xưa rồi nói về thơ nay, một phương pháp trình bày luận điểm theo kiểu “ôn cố tri tân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên quan niệm về thơ nay:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
       Trong nguyên tác, nhà thơ dùng từ “hiện đại”, bản dịch dùng từ “nay”. Như vậy, thơ thời hiện đại (thời nay) là thơ thời kỳ Bác Hồ và nhân dân Việt Nam sống, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn học phản ánh hiện thực, thi ca gắn với thời đại, do vậy mà thơ ca “nên có thép” nghĩa là phải có tính chiến đấu. Thơ ca phải đứng về phía chính nghĩa, phía nhân dân, dưới ngọn cờ của Đảng lên tiếng vì quyền lợi dân tộc, bảo vệ cái thiện; đấu tranh chống xâm lược, chống cái ác, cái xấu…
        Thơ có tính chiến đấu, nhà thơ là chiến sĩ; đó là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật cho nên tất phải biết “xung phong”. Đây là một ý kiến mới mẻ bởi vì trước đó không ít người nghĩ rằng nhà thơ như cánh bướm phiêu bạt giang hồ, “mơ theo trăng vơ vẩn cùng mây”…
Nhà thơ chiến sĩ khi thì dùng ngòi bút đấu tranh, khi cần thì cầm súng và sẵn sàng đứng ở vị trí tuyến đầu…
        4. Bài thơ của Bác nên lên ý kiến về thơ và nhà thơ hiện đại, nhưng chúng ta cần hiểu rằng đó cũng là quan niệm chung về văn học nghệ thuật cách mạng và về các văn nghệ sĩ thời đại mới.
       Trong hoàn cảnh lịch sử đất nước hồi đầu thế kỷ XX cho tới ngày nay, việc khẳng định tính chiến đấu của thơ ca Cách mạng là cần thiết. Bên cạnh đó, bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gợi cho người đọc nhớ về bài “Phạt Tống” của Lý Thường Kiệt năm xưa…

 

Tác giả: NT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi