CHỢ NỔI - KHÔNG GIAN VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA MIỀN TÂY NAM BỘ

Thứ năm - 26/09/2019 22:37

CHỢ NỔI - KHÔNG GIAN VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA MIỀN TÂY NAM BỘ

Tây Nam Bộ là vùng châu thổ phù sa. Nơi đây trước kia là vùng hoang vắng, trũng thấp, là vùng đất mới nổi, rất nhiều đầm lầy, kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc, nhiều lượng phù sa do sông Mê Kông cung cấp. Nhờ vậy, đồng ruộng phì nhiêu, cây trái tốt tươi, trĩu quả. Chính từ đặc điểm tự nhiên này đã hình thành nên văn hóa sông nước - văn hóa miệt vườn. Từ bao đời nay, người miền Tây đã gắn chặt đời mình với những dòng sông mênh mông sóng nước. Sông nước đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, đi vào thơ, ca, nhạc, họa như một hình ảnh thiêng liêng, một tình yêu máu thịt với cuộc sống đời thường cũng như nếp sinh hoạt văn hóa của cư dân nơi đây. Mỗi khi nhắc đến văn hóa sông nước miền Tây, chợ nổi là một nét đặc sắc, là mảng màu nổi bật trong bức tranh quê hiền hòa, yên ả; là nét sinh hoạt kinh tế - văn hóa đặc thù của người dân đồng bằng sông Cửu Long.
 
1. Đôi nét về chợ nổi
Cho đến nay, chưa có một nhà nghiên cứu nào có thể xác định được thời gian ra đời của chợ nổi cũng như không lý giải hết được cơ chế hình thành chợ nổi một cách chuẩn xác nhất. Có ý kiến cho rằng do điều kiện lịch sử - chính trị, vào giai đoạn khai phá miền Nam của nhà Nguyễn cũng gần thời điểm khi nhà Thanh bên Trung Quốc lập triều đại mới. Rất nhiều dân Trung Quốc vẫn còn trung thành với Minh triều đã ly khai và chạy trốn đến các vùng đất khác như Đài Loan và các vùng đất Đông Nam Á, trong đó có đất Gia Định thuộc Việt Nam. Các thương thuyền của người Hoa ra vào buôn bán ở Gia Định vào thời đó không phải là hiếm. Họ đưa thuyền theo biển, đi ngược sông và buôn bán hoặc mãi võ khắp các sông rạch vùng Mê Kông. Họ không ở một chỗ cố định mà ở trên ghe, việc giao thương, trao đổi hàng hóa cũng từ đó mà hình thành.
Yếu tố thứ hai xuất phát từ đặc điểm địa lý, từ cấu tạo địa hình của Tây Nam Bộ là vùng trũng, thấp; hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên quá trình di chuyển của cư dân nơi đây thường là xuồng ghe, tàu thuyền… chưa có các phương tiện vận chuyển hàng hóa hoặc di chuyển phong phú như hiện nay. Vì vậy, những nông phẩm mà cư dân Tây Nam Bộ làm ra đều được đưa xuống ghe, xuồng để trao đổi với nhau, từ những sản phẩm thuần nông mà họ tạo ra dần dần do nhu cầu cuộc sống sinh hoạt, ý tưởng kinh doanh, họ biết vận chuyển hàng hóa từ nơi khác đến, mua những sản phẩm không phải tự mình làm ra để bán cho những người không có điều kiện đi xa. Lúc bấy giờ, đường sá cũng chưa mở mang thuận tiện như hiện nay. Đường thủy là lựa chọn phổ biến nhất nên nhiều người chèo ghe, bơi xuồng để tập hợp lại ở một khoảng sông rộng, tiến hành các hoạt động mua bán với nhau và chợ nổi bắt đầu hình thành từ đó.
Dù với nguyên nhân nào và đặc điểm hình thành ra sao thì điều chúng ta có thể gói gọn lại khi nhắc đến chợ nổi đó là một loại hình chợ xuất hiện tại vùng sông nước, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe, thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển. Địa điểm có chợ nổi thường tại các khúc sông không rộng quá mà cũng không hẹp quá.
2. Chợ nổi dưới góc nhìn văn hóa
Chợ nổi tự phát là do những người buôn bán trên sông đã lâu, cùng với những người nông dân làm vườn tại địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương hình thành nên; không có sự quản lý hành chính nên việc thu thuế cũng không chặt chẽ. Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, miền Tây Nam Bộ nói riêng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, những mặt hàng nông sản mà cư dân nơi đây mang đến chợ nổi không phải là những thứ quá cao sang nhưng vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi gia đình, mọi người dân vùng đồng bằng sông nước. Tất cả các loại trái cây, rau, củ, quả đều góp mặt ở chợ nổi. Từ những ngả sông hiền hòa, các bà, các chị thoăn thoắt mái chèo với những chiếc xuồng đầy ắp cây trái chèo nhanh cho kịp phiên chợ. Trong làn sương sớm khi chưa tỏ mặt người, những chiếc ghe tam bản, xuồng ba lá đã tụ họp về một khúc sông. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng gọi nhau í ới. Điểm đặc biệt của chợ nổi không phải là tiếng gọi mời, chào hàng mà là những cây bẹo được cột trước mũi thuyền. Ai bán gì thì treo thứ ấy lên cây bẹo, mặt hàng thì phong phú, đủ loại từ cá, tôm, rau củ, cây trái… đến cả cây kim, sợi chỉ, những vật dùng trong sinh hoạt gia đình. Chính những bẹo hàng này khiến chợ nổi có nét riêng, đông đúc nhưng không xô bồ, cảnh mua bán diễn ra trật tự; cứ ghe xuồng này mua xong lại lặng lẽ rời đi nhường chỗ cho ghe, xuồng khác đến. Cứ như thế, nhịp sống chợ nổi đầy màu sắc của những bẹo hang, ấm áp cái tình của những con người bình dị, dân dã. Giá cả cũng không khắt khe, người mua kẻ bán nhường nhau, theo kiểu thuận mua vừa bán; không kì kèo thêm bớt, không cãi vã ồn ào. Chợ nổi trở thành nét văn hóa đặc sắc, là một phần cuộc sống của những người dân Tây Nam Bộ. Cuộc sống thương hồ nhưng đậm đà tình nghĩa đã khiến chợ nổi được hình thành và giữ gìn qua năm tháng.
 Theo thời gian, với sự phát triển của các loại hình dịch vụ, với sự thay đổi của các phương tiện đi lại do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mang đến, chợ nổi đã dần mất đi các giá trị lịch sử của nó.
Trước hết, chợ nổi không còn là sự lựa chọn duy nhất của người dân Tây Nam Bộ do đường sá đi lại thuận tiện hơn, vì vậy chợ nổi được nhóm họp để phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa của một số rất ít cư dân, nên nhữngbẹo hàng cũng không phong phú, lượng tàu thuyền giảm đi.
Thứ hai, ghe xuồng được gắn thêm máy móc, tiếng động cơ, phần nào làm mất đi nét bình dị, yên ả vốn có của chợ nổi. Đó cũng là một cách cho thấy nhịp sống đang vội vã hơn, cái tình, cái nghĩa có khi cũng nhường chỗ cho cơm, áo, gạo, tiền.
Thứ ba, chợ nổi tồn tại còn vì nó là một hình thức kinh doanh - dịch vụ của giới làm du lịch hơn. Khách du lịch đến đây chỉ để được tham quan, cảm nhận buổi họp chợ trên sông, được tìm cảm giác mới lạ khi di chuyển bằng ghe xuồng, tàu thuyền lênh đênh trên sông nước, được mua vài món hàng lưu niệm, thưởng thức một vài món ăn dân dã miền Tây chứ không phải để thỏa nhu cầu mua - bán đúng nghĩa.
Thứ tư, do sự thiếu ý thức của một bộ phận tiểu thương nên các thuyền ghe thường xuyên xả rác xuống sông, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái.
3. Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa chợ nổi trong điều kiện mới
Có thể sự tồn tại của chợ nổi chưa đủ để khỏa lấp những khoảng trống, những nghiệt ngã đời thường và những tất bật, ồn ào của nhịp sống hiện đại đang diễn ra. Nhưng việc giữ gìn chợ nổi như một nét đẹp văn hóa truyền thống, một chấm phá tuyệt vời trong bức tranh bình yên của vùng đồng bằng sông nước miền Tây là điều cần thiết. Khi mỗi người đang dần bị cuốn trôi theo những lo toan thường nhật thì việc giữ gìn một nét văn hóa truyền thống phải cần đến sự vào cuộc của cả cộng đồng, với những biện pháp tiến hành đồng bộ.
Thứ nhất, cần có sự hoạch định để bảo tồn và phát triển chợ nổi theo hướng vừa giữ những nét văn hóa truyền thống vốn có nhưng cũng không quá tách biệt với xu hướng hiện đại. Cần nghiên cứu để có biện pháp tập hợp những ghe, xuồng của các thương buôn và tuyên truyền, khích lệ tiểu thương giữ những nét sinh hoạt độc đáo vốn chỉ có ở chợ nổi như “treo gì bán nấy”, “bán mà không treo”, “treo mà không bán” hoặc “treo cái này nhưng bán cái khác”, bán hết một mớ hay cả ghe hàng mà không cần cân, đong, đo, đếm; hay hoạt động thảy - chụp hàng hóa… Điều này cần sự vào cuộc của các nhà quản lý văn hóa, của chính quyền các địa phương có chợ nổi và cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ bây giờ. Từ việc quy hoạch nơi họp chợ, thu hút tiểu thương tham gia, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cả cộng đồng về ý nghĩa văn hóa của chợ nổi đến việc bảo vệ môi trường, sinh thái, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm…
Thứ hai, tích hợp nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian tồn tại cùng chợ nổi… để tạo sự phong phú, đa dạng trong một chỉnh thể thống nhất - chợ nổi. Muốn vậy, cần có đề án bảo tồn, phát triển chợ nổi, có kế hoạch dài hạn cho việc thu hút du khách, quảng bá du lịch, tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động kết hợp như: đua thuyền, giao lưu văn hóa văn nghệ, hội thi trái cây ngon, trưng bày các sản phẩm truyền thống… nhằm đưa chợ nổi đến gần hơn với bạn bè khu vực, trong nước và thế giới.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều hội thảo khoa học, khuyến khích các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn chợ nổi trên cơ sở giữ nguyên nét đặc trưng chợ nổi từ hàng trăm năm qua, song song với tiếp biến văn hóa hiện đại; vừa đảm bảo sinh kế của người dân, vừa thu hút du lịch và kinh doanh văn hóa vừa bảo vệ được môi trường.
Chợ nổi cùng với văn hóa sông nước vùng Tây Nam Bộ đã là một phần cuộc sống không thể tách rời của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi với những ghe hàng nhiều sắc màu đã thấm vào máu, vào thịt, vào nhịp sống thường ngày của bà con miền Tây và là niềm tự hào của mảnh đất này từ hàng trăm năm nay. Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa chợ nổi, để chợ nổi trường tồn cùng nhịp phát triển hiện đại cũng chính là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Văn Chuộng
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018
 

Tác giả: Sưu tầm

 Tags: van hoa, cho noi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi