Giới thiệu môn Hình họa

Chủ nhật - 08/12/2019 03:58

Giới thiệu môn Hình họa

Hình họa là môn học dùng hình vẽ để mô tả đối tượng khách quan có thực mà mắt ta quan sát được bằng đường nét, hình mảng, khối, sáng tối, đậm nhạt để tạo ra không gian ảo ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: vẽ hình họa, vẽ theo mẫu, vẽ tả thực…
 

         Hình họa là một môn học cơ bản không thể thiếu trong quá trình hình thành kỹ năng, nhận thức về nghệ thuật hội họa. Hình họa rất quan trọng đối với người làm nghệ thuật, đặc biệt là đối với sinh viên học mỹ thuật.
Quá trình học môn Hình họa, người học cần phải tự xây dựng cho mình cách sử dụng, khai thác triệt để các yếu tố của ngôn ngữ tạo hình như đường nét, hình mảng, khối, đậm nhạt, màu sắc…, đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy trí tuệ và khả năng biểu cảm trong sáng tác mỹ thuật. Bởi vậy, Hình họa là môn học giúp phát triển khả năng quan sát, nhận xét, phân tích và kỹ năng thể hiện, nghiên cứu mẫu thực; là sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm của người vẽ với đối tượng, là cánh cửa đầu tiên để người học nghiên cứu và khám phá thực tế, giúp người học rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ.
       Quá trình thực hiện một bài vẽ Hình họa căn bản thông thường đều phải tuân theo những trình tự cụ thể từ quan sát mẫu vẽ, xác định bố cục, tìm tỉ lệ chung, tỉ lệ riêng, dựng hình, vẽ phác thảo khối… cho đến bước cuối cùng là thể hiện được không gian.

      Là một môn cơ sở ngành (cơ bản), đóng vai trò quan trọng trong đào tạo mỹ thuật, nghiên cứu hình họa góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sinh viên học tập, tiếp thu các môn học chuyên ngành khác. Trong chương trình của các trường đào tạo về mỹ thuật, Hình họa là môn học chiếm quỹ thời gian khá nhiều, hệ thống môn học thường được sắp xếp một cách khoa học, từ đơn giản đến phức tạp, từ đen trắng đến màu sắc, từ mẫu tĩnh sang mẫu động…,
        Lịch sử mỹ thuật đã chứng minh, các họa sĩ nổi tiếng trên thế giới và trong nước, thời đại nào cũng là những người vẽ hình họa vững vàng. Các danh họa thời kỳ Phục Hưng ở Ý như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael… đã vẽ những bức Hình họa về con người tuyệt vời. Trước khi trở thành người sáng lập ra các trào lưu mỹ thuật hiện đại, Pablo Picasso, Vincent Van Gogh , Salvador Dali... đều là những họa sĩ nghiên cứu thực tế, nghiên cứu mẫu người rất nghiêm túc, cơ bản, vững vàng. Các trường Mỹ thuật ở Việt Nam, từ thời kỳ là trường Mỹ thuật Đông Dương luôn đề cao vị trí, vai trò của Hình họa trong chương trình đào tạo. Quỹ thời gian dành cho môn học khá nhiều (kéo dài trong suốt thời gian đào tạo); trong kỳ thi tuyển sinh các trường thường xác định Hình họa được tính hệ số cao hơn các môn thi khác (Hệ số 2). Hình họa đã thấm sâu vào nếp nghĩ và hoạt động nghệ thuật của họa sỹ, đa số cho rằng hình vững, hình đẹp là cơ sở tạo nên thành công của tác phẩm: giúp họa sĩ tự tin hơn trong sáng tạo nghệ thuật.
           Ngày nay, dù kỹ thuật của các phương tiện của công nghệ thông tin ngày càng phong phú và phát triển; hỗ trợ rất nhiều cho việc giảng dạy, học tập, thu nhận tài liệu và sáng tác song vẫn không thể thay thế được việc rèn luyện cơ bản, nghiên cứu Hình họa tại thực tế. Máy ảnh rất cần song đó chỉ là một khoảnh khắc nhất định của tự nhiên do máy móc ghi lại. Còn vẽ Hình họa thì khác, đó là cả một quá trình tìm hiểu, phân tích, giao lưu tình cảm của người vẽ với đối tượng, từ đó khám phá và thể hiện cái đẹp của hiện thực, của người mẫu thông qua cảm xúc, sáng tạo của người vẽ.

           Dẫn chứng để thấy tầm quan trọng của Hình họa, Hình họa không chỉ có thể độc lập hoàn thành sáng tác nghệ thuật, đồng thời, nó còn là hòn đá tảng vững chắc cho tất cả các bài luyện tập chuyên ngành, có tác động bổ sung, hỗ trợ cho các môn học khác trong học mỹ thuật nói chung như: ký họa, vẽ bố cục, trang trí… và lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng nói riêng như: thiết kế Nội thất, thiết kế Thời trang, thiết kế Đồ họa…

Hình 1. Nghiên cứu Hình họa của Leonardo da Vinci và Albrecht Dürer
Hình 3. Nghiên cứu Hình họa của Pablo Picasso


Hình 4. Bài hình họa nghiên cứu của sinh viên Nga


Hình 5. Bài hình họa nghiên cứu chất liệu mầu nước của sinh viên Châu Âu


Hình 6. Bài hình họa nghiên cứu chất liệu mầu nước của sinh viên Trung Quốc


Hình 7. Bài hình họa nghiên cứu chất liệu bột mầu của sinh viên khoa TDCN – Trường ĐH Mở Hà Nội


Hình 8. Bài hình họa nghiên cứu chất liệu sơn dầu của sinh viên khoa TDCN – Trường ĐH Mở Hà Nội

Hình 9. Bài hình họa nghiên cứu chất liệu than đen trắng của sinh viên Đại học mỹ thuật Việt Nam
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Triệu Khắc Lễ (2003), Hình họa 1, NXB Đại học sư phạm.
  2. Biên dịch Phạm Cao Hoàn, Khải Phạm, Nguyễn Khoan Hồng (1999), 70 danh họa bậc thầy thế giới, NXB Mỹ thuật.
  3. Họa sỹ Hoàng Anh (2010), “Nghiên cứu Hình họa ở Nga”, Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật.
  4. TS. Bùi Thanh Mai (2010), “Vai trò của hình họa trong đào tạo mỹ thuật”, Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật.
  5. Tham khảo và sử dụng một số tư liệu, tranh ảnh trong “Tạp chí Mỹ thuật”, “Nghiên cứu Mỹ thuật” của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội; tranh ảnh của các hoạ sĩ đăng trên sách báo; bài vẽ của sinh viên, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội.
 
 

Tác giả: Trích của tác giả: ThS. Lê Trọng Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi