Tín ngưỡng Bổn cảnh Thành hoàng đình thần Tân An

Chủ nhật - 01/04/2018 21:33
Ảnh từ Internet
Ảnh từ Internet
            1.Tín ngưỡng Thành Hoàng trong truyền thống văn hóa Việt
          Về từ nguyên “thành hoàng“ là hai từ Hán Việt: thành là “cái thành, ở trong gọi là thành, ở ngoài gọi là quách“;“chỉ vùng, khu vực dân cư quan trọng có thành bao quanh“ (thành trì, thành lũy, thành quách, thành đô), hoàng là hào sâu quanh thành. Như vậy,Thành hoàng là vị thần bảo trợ cho cái thành. Theo Ngô Đức Thịnh, Thành hoàng của Trung Quốc là vị thần của thành trì, thành thị phổ biến từ đời Đường - Tống, làng thôn chỉ thờ thổ thần, trong khi ở Việt Nam  Thành hoàng là vị thần của mỗi làng xã.[3,58]

          Cũng phải thấy rằng, việc du nhập và biến đổi Thành hoàng (bảo hộ thành trì) của Trung Hoa cổ trở thành Thành hoàng làng của Việt Nam là một quá trình lịch sử văn hóa. Theo các nhà nghiên cứu, tài liệu nói đến Thành hoàng sớm nhất ở nước ta cho tới thời điểm nầy là sách Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên đời Trần với câu chuyện “Chuyện Thần Tô Lịch“ [1,104]. Theo như chuyện kể, Vương, tức Tô Lịch là “Đô phủ Thành hoàng thần quân“ của thành Đại La (thời kỳ nhà Đường đô hộ); về sau vua Lý Thái Tổ phong làm “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương“...Như vậy, thần Tô Lịch là thành hoàng bảo hộ thành Thăng Long tương tự như thành hoàng Trung Hoa. Nhưng về sau (theo Ngô Đức Thịnh, Vũ Ngọc Khánh là đến thế kỷ XV), người Việt lại thờ Thành hoàng làng tại các đình thần cho tới ngày nay. “Đình“ là từ Hán Việt, có nghĩa là dừng, điểm dừng. Ngày xưa,“đình trạm“ thường được đặt trên trục giao thông để các chức dịch làng tiếp quan lại triều đình đi kinh lý. Trong quá trình tồn tại, đình đã dần trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã, nó vừa là trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa vừa là trung tâm về mặt tôn giáo tín ngưỡng. Trần Ngọc Thêm cho rằng, biểu tượng của tính cộng đồng là,“sân đình, bến nước, cây đa“ [2,86]. Các nhà nghiên cứu cho biết, từ thời nhà Trần, đình là chỗ nghỉ chân cho quan lại đi thị sát dân tình, sau đó đình trở thành nơi thờ Thành hoàng làng và vì vậy, nó không cần phải được xây dựng trên trục giao thông nữa mà là tại địa điểm phù hợp với sinh hoạt gắn với các chức năng nêu trên.

          Điều đáng nói là từ xa xưa, người Việt đã thờ Thổ Công với niềm tin “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá“. Nói cách khác, tục thờ Thành hoàng làng có nguồn gốc bản địa kết hợp với tiếp thu văn hóa Trung Hoa.

          2. Bổn cảnh thành hoàng đình thần Tân An.

        Xét về mặt lịch sử văn hóa, hệ thống Thành hoàng Bắc Bộ là một yếu tố thuộc về truyền thống văn hóa Việt Nam, có ảnh hưởng đến các vùng miền khác. Hệ thống nầy rất phong phú bao gồm thiên thần, nhiên thần và nhân thần, trong đó nhân thần chiếm số lượng lớn. Đặc điểm nầy được kế thừa trong hệ thống Thành hoàng Nam Bộ nói chung. Ở một góc nhìn khác, có thể chia Thành hoàng làm 2 nhóm: nhóm có sắc phong của vua và nhóm được “dân phong“. Đối với đình thần Tân An, vua phong vị “Bổn cảnh Thành hoàng“ tượng trưng.

        Thông thường, Thành hoàng được vua phong là những vị thần có tên tuổi, có công trạng với nước với dân, sau khi mất được tôn thờ và được sắc phong. Đặc biệt tại một số ngôi đình ở Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng, Thành hoàng được thờ là những vị thần không có nguồn gốc cụ thể. “Bổn cảnh Thành hoàng”  là vị thần mang tính biểu trưng, vửa tượng trưng cho uy quyền của vua vừa tượng trưng cho sự quan tâm của triều đình đối một vùng đất mà ở đây là làng. “Bổn cảnh” là khu vực này đây, làng nầy đây.

        Nam Bộ, trong đó có Cần Thơ, thời phong kiến là vùng đất mới. Do là vùng đất mới nên không có nhiều nhân vật lịch sử có công với triều đình trong tương quan so sánh với vùng đất cũ mấy ngàn năm lịch sử. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến vua phải phong Thành hoàng cho những vị thần trong ý niệm vào thời kỳ đầu khi mà làng thành lập chưa được bao lâu (vì không có đủ các vị quan, danh nhân văn hóa cho tất cả huyện, thôn)

        Thành hoàng làng Tân An là “Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần” (Sắc phong ở đình Thới Bình - Tân An, quận Ninh Kiều). Đây là những từ đẹp, trang trọng nói lên được cốt cách, nhiệm vụ của Thần, đó cũng là trách nhiệm của một viên quan cai trị thể hiện cả hai mặt pháp trị kết hợp với đức trị. Các quan cai trị phải chánh trực giữ nghiêm luật vua phép nước đồng thời phải hết sức nhân hậu thương yêu dân chúng như thương con.

         Tiếp theo sau “Bổn cảnh Thành hoàng” như nói trên, dân chúng  Cần Thơ xưa còn thờ cúng ông Nguyễn Thành Trưng và Tiền hiền, Hậu hiền nói chung, tại đình. Ông Nguyễn Thành Trưng, theo người dân Cần Thơ cho biết, là một trong những người sở hữu đất đai rộng hàng ngàn mẫu, ủng hộ phong trào chống Pháp ở địa phương. Có tài liệu nói rằng, ông nguyên là “Đốc hạt” của Cần Thơ? Chúng tôi chưa tìm thấy chức danh nầy. Có điều, thời kỳ thuộc Pháp, theo  Bách khoa toàn thư mở Wikipedia , Nam Kỳ có đơn vị hành chánh với từ “hạt”: “Khoảng năm 1868, Nam Kỳ có hai mươi bảy inspection (lúc này tiếng Việt gọi là "hạt thanh tra", "địa hạt thanh tra", "khu thanh tra" hay "tiểu khu thanh tra", do Thanh tra cai trị). Từ 05/06/1871 inspection đổi thành arrondissement (lúc này tiếng Việt gọi là "hạt tham biện.", "địa hạt tham biện.", "khu tham biện hay "hạt"). “Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, gọi là circonscription administrative, mỗi khu vực lại được chia nhỏ thành các "hạt" hay "tiểu khu" (arrondissement)”  và mỗi hạt có Hội đồng Quản hạt, trong đó, khu vực Bassac có 6 tiểu khu: Châu ĐốcHà TiênLong XuyênRạch GiáCần Thơ và Sóc Trăng. Có thể ông Nguyễn Thành Trưng là thành viên của Hội đồng Quản hạt chăng? (Pháp cho người Việt tham gia Hội đồng nầy với một tỉ lệ nhất định). Với truyền thống “xưng khiêm hô tôn” (khi tự xưng mình thì hạ xuống, gọi người khác thì nâng lên), có thể người dân gọi thành viên Hội đồng quản hạt là “Đốc hạt” ?

       Trước khi mất ông làm di chúc tặng một phần đất để có nguồn thu nhập sử dụng vào việc nhang khói và mở rộng đình sau nầy. Cũng có người kể rằng, trường hợp bàn thờ ông Nguyễn Thành Trưng gọi là bàn thờ Hậu, bàn thờ lập sau khi ngôi đình hoạt động một thời gian khá lâu, thờ người đã đóng góp ngân quỹ hoặc đất đai cho đình. Việc nầy ngày xưa gọi là “mua hậu”. Ông Nguyễn Thành Trưng “mua hậu” vì không có con trai nối dõi hoặc tuyệt tự tuyệt tôn (tuyệt hậu) theo quan niệm xưa. Việc ông Nguyễn Thành Trưng nguyên là thành viên Hội đồng quản hạt (nếu có) là để đấu tranh cho quyền lợi người dân vừa ủng hộ phong trào chống Pháp thì không có gì mâu thuẫn.

      Dù nói thế nào thì ông vẫn là người có công với làng, được thừa nhận qua việc thờ cúng.
Ông Nguyễn Thành Trưng tổng hợp được hai yếu tố quan trọng của những nhân vật được thờ cúng tại Nam Bộ. Thứ nhất, ông chưa phải là một lãnh tụ nghĩa quân, song, cũng là một người ủng hộ phong trào chống Pháp. Do vậy, chúng ta có thể xếp ông vào hàng ngũ những người yêu nước như Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Vương, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị…những vị “nhân thần” được thờ tại nhiều đình (hoặc có đền thờ riêng) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyễn Trung Trực còn được sùng bái là “QuanThượng đẳng đại thần”. Thứ hai, ông cũng thuộc nhóm người có công với làng, với đình tức là bậc “hậu hiền”.

      Về khái niệm “tiền hiền, hậu hiền”, có lẽ không cần chiết tự mà cần giải thích hai tục ngữ Hán Việt sau đây để hiểu:
      1.Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ: Tiền hiền là những người (có đức có tài buổi ban đầu) có công quy dân chúng lập làng; hậu hiền (người có đức có tài tiếp theo tiền nhân) có công xây dựng các công trình có tính cách làm nền móng (cơ) cho làng, xã như đình, chùa, miếu…
     2.Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh: Tiền hiền là những vị có công quy tụ dân chúng lập làng; hậu hiền là những người tiếp theo tiền nhân có công giúp dân mở mang việc canh tác.

     Tham gia vào công cuộc khai hoang mở cõi tại Nam Bộ nói chung, Cần thơ nói riêng gồm nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Họ là dân “tứ chiếng” (bốn phía) từ Bắc Trung vào Nam. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, dân Nam Bộ mãi khắc ghi công ơn của họ. Tại tư gia, khi có đám giỗ cúng ông bà tổ tiên, người Nam Bộ thường bày thêm một mâm ngoài sân (hoặc tại hàng ba) gọi là mâm “đất đai viên trạch” để tưởng nhớ anh linh của những người có công khai hoang, mở đất, làm vườn... Tại đình, người làng đồng lòng thờ chung các vị và gọi là “tiền hiền, hậu hiền” như nói trên. Với quan niệm “sống khôn thác thiêng”, dân làng tin rằng những người nầy tiếp tục phò hộ dân chúng trong cuộc mưu sinh. Chính vì vậy mà chúng ta có thể gọi những bậc tiền hiền hậu hiền trong một chừng mực nào đó là “thành hoàng dân phong”.

       Tóm lại, tín ngưỡng Thành hoàng có nguồn gốc từ xa xưa song, ở Nam Bộ bên cạnh thành hoàng người dân còn thờ “tiền hiền, hậu hiền”. Dân Nam bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng thờ những người có công với làng, mở rộng ra là có công với nước; nói như từ ngữ ngày nay là có đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Quan trọng hơn, những con người ưu tú nầy mãi mãi là điểm tựa tinh thần để các thế hệ sau vượt qua giông bão lịch sử. Linh hiển thay, trong chiến tranh có lần đình bị nổ tung mà tượng thần thì vẫn vẹn nguyên! Đó là hồn thiêng sông núi.

Tài liệu tham khảo
1.Ngọc Hồ-Nhất Tâm, Việt Điện U Linh, Nxb Cửu Long, 1992
2.Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Trường Đại học KHXH và NV, Tp. HCM, 1997)
3.Ngô Đức Thịnh,Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Trẻ, 2012
4. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, (internet, mục Nam Kỳ).

Tác giả: TS. Trần Văn Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi