Văn hoá nghệ thuật Cần Thơ

https://vhntcantho.edu.vn


Ước vọng Bình An - Phú Quí qua một lễ tục địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long

Hình ảnh từ internet

Hình ảnh từ internet

            1. Xét cho cùng thì phong tục ngày Tết trên cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đều thể hiện khát vọng ấm no hạnh phúc của con người. Và dù khát vọng ấy có trở thành hiện thực hay không thì trước hết con người vẫn thể hiện lòng biết ơn đối với thần thánh, tổ tiên ông bà, đồng bào và nhân loại đã cho người ta sức khỏe, cơm ăn, áo mặc và sự yên bình trong sinh hoạt, cái thanh thản nơi tâm hồn. Dựng cây nêu treo bùa nêu là không cho quỷ ma vào nhà, chưng bông mai, xông đất là cầu sự may mắn, bày đĩa ngũ quả, hái lộc ở chùa là hướng tới sự thịnh vượng, giữ gạo, nước đầy lu, không quét nhà ngày đầu năm là mong no đủ…

            Trong tất cả những điều cầu mong thì cái thanh thản nơi tâm hồn lại là cái khó đạt hơn cả. Bởi vì người nghèo khó mang cái khổ tâm của chuyện “lo nồi mơi sớm thiếu nồi chiều”, kẻ giàu sang lại canh cánh bên lòng những nỗi lo thầm kín về cái bèo bọt, mong manh của kiếp vô thường: “Khôn ba năm dại một giờ”…Cuối cùng, từ trong sâu thẳm của tâm thức, con người luôn cảm thấy bất lực với việc thực hiện những ước vọng hoặc ở một cấp độ khác là những tham vọng của mình. Rốt cuộc, trong khi tận nhân lực để tri thiên mệnh họ còn trông chờ vào sức mạnh bên ngoài: nhờ vào người khác thông qua các mối quan hệ, nhờ vào thần linh qua mối quan hệ đặc thù là nghi lễ. Và nhờ thần linh thi dễ hơn bởi dù có lễ vật, song, chủ yếu là đến bằng tấm lòng. Các vị thần cổ sơ như Ông Trời, Bà Nữ Oa…trong thần thoại không thấy nhận quà cáp, chỉ có các vị thần trong tín ngưỡng đời sau mới bị con người (phần lớn nhưng không phải là tất cả) cố tình mua chuộc. Trên thực tế, cuộc sống không đem lại tiền tài danh vọng, quyền thế như người ta mong muốn nhưng con người lại chấp nhận cái mình hiện có vì tin rằng mọi thứ đều do thần linh lo liệu. Thế là tìm được sự bình an, con người có lý do để cầu xin các lực lượng thần kỳ thuộc phe thiện và tống khứ ma quỷ đại diện cho cái ác.

            2. Từ lễ tống ôn do cộng đồng tổ chức đến tục thả thuyền tống gió trong gia đình

            Lễ tống phong còn gọi là lễ “tống ôn tống phong”, được hiểu là tống tiễn những cái xui xẻo, dịch bệnh. Lễ tống phong được cộng đồng và cá nhân tổ chức vào những dịp nhất định. Ở Tân An tỉnh Long An, lễ nầy diễn ra và thậm chí là một bộ phận của lễ hội trai đàn cầu siêu cầu an vào ngày 15 và 16 tháng giêng âm lịch, ở một vài địa phương thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp có người thả tàu tống gió vào mùng 5 tháng 5 hoặc 15 tháng 7 âm lịch. Tại nội thành Cần Thơ vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, một vài khu dân cư (có miễu thờ thần) cũng làm lễ tống phong dịp đầu năm mới.

            Trong lễ trai đàn, nghi thức tống ôn tống phong diễn ra ở giai đoạn sau. Trước đó, nhà chùa dùng hình tượng Tiêu diện đại sĩ để tổ chức chẩn tế cho ma quỷ, cô hồn. Tiêu diện đại sĩ (dân gian gọi là ông mặt xám, ông Tiêu) là hóa thân của Quán thế âm Bồ Tát với sắc tướng nam (sắc tướng nữ là Bạch y quán âm mà dân gian thường gọi là Phật bà Quan âm hoặc Quan Âm Bồ Tát). Ông Tiêu là vị thần oai nghiêm trông có vẻ dữ tợn với cái lưỡi dài tới ngực. Người xưa tin rằng cái lưỡi ấy sẽ liếm tất cả ma quỷ, sau đó con quỷ nào khuất phục thì được tha nếu không chúng sẽ bị trừng trị (bị nuốt vào bụng). Lưỡi ông Tiêu trong lễ hội làm bằng giấy cho nên sau khi lễ kết thúc người ta giành nhau xé cái lưỡi ấy (mà đúng ra nó sẽ được đốt) về “làm bùa” đeo vào người giúp trừ tà diệt quỷ. Điều nầy gợi lên sự liên tưởng tới nghi thức tống ôn tống gió của người Cần Thơ trước đây có chi tiết ông “thầy bùa” thè cái lưỡi đầy máu liếm vào miếng giấy. Miếng giấy ấy chính là “lá bùa” trên tàu tống gió thả theo dòng nước.

            Giữa đêm khuya, sau thời điểm đốt hình ông Tiêu (trong lễ trai đàn) thì lễ tống ôn bắt đầu. Người ta đặt trên chiếc bè làm bằng chuối các lễ vật như đầu heo, gạo, muối, rượu, chè xôi…Trên bè còn có những lá bùa của thầy pháp, hình nộm người chèo bè giữ mái chèo. Sau khi có một hồi trống dài, chiếc bè được bốn thanh niên khiêng, theo sau là thầy pháp, đem thả xuống sông. Bè trôi xuôi theo dòng nước cuốn theo những xui xẻo, xua đuổi ôn dịch, trả lại sự bình an cho dân làng. Người đồng bằng không dám ăn những thức trên bè tống gió vì sợ rằng sẽ bệnh tật hay gặp vận rủi, song, cũng có những thiếu niên táo tợn hoặc những bợm nhậu thiếu mồi nhắm hào hứng đón “của trời cho”. Các ông bà già có khi đã rủa những người nầy là đồ “ôn hoàng dịch lệ”. Lời rủa nầy gắn với quan niệm, tống ôn nghĩa là “Tống ôn đưa khách”, xua đuổi Ôn hoàng dịch lệ, loại tà thần gây bệnh trong dân gian. Nhưng trước khi tống tiễn thì phải khao mời chúng. Nếu lễ trai đàn gắn với nhà chùa thì nghi thức tống ôn tống phong do đình miễu thực hiện. Một vài nơi, lễ tống ôn được tổ chức bằng nghi thức “Tề Thiên trừ yêu” (Tề Thiên đánh động) dựa theo truyện Tây Du ký. Đám rước gồm có thầy pháp, Tam Tạng, Tề Thiên Đại Thánh và ông Địa đeo mặt nạ. Đám rước đi vòng trong làng, Tề Thiên đánh và bắt yêu tinh. Cuối cùng khi đến bờ sông, thầy pháp lột những lá bùa trên vai quỷ thả xuống nước. Đám rước trở về đình, tạ thần linh.

            Đặc biệt hơn, nghi lễ tống ôn được đơn giản hóa trở thành tục “thả thuyền” vào rạng sáng mùng 3 Tết. Hiện nay, một số nông dân huyện Cờ Đỏ, thành phố cần Thơ còn giữ tục nầy. Từ một hai giờ sáng, gia chủ ra vườn chặt vài cây chuối to, rồi bắt tay vào làm thuyền.Thuyền lớn hay nhỏ là tùy ý định bày biện lễ vật. Thuyền phải có mui, trước kia là người chèo bây giờ là người cầm lái với chiếc máy nổ - động cơ đẩy thuyền. Vật liệu chủ yếu để làm thuyền là thân cây chuối và vài miếng tre hoặc trúc, giấy bìa cứng. Lễ vật chính là con gà luộc. Trước khi cắt cổ gà người ta khấn với thần linh ý định giết gà cúng tế trong tục thả thuyền. Gà luộc chín phải được thoa một chút màu thực phẩm để trông nó giống gà quay. Kèm theo đó là 3 chén cháo, một chén gạo muối, một con cá lóc nướng trui và cuối cùng là dĩa đựng giấy vàng bạc. Có gia đình cúng lễ vật đơn giản hơn: một con tôm luộc, một miếng thịt luộc, một trứng luộc và giấy vàng bạc. Tục thả thuyền cùng thời điểm với lễ “Ra mắt”. Lễ vật trên bàn thờ tổ tiên cũng đã được chuẩn bị song song với thức cúng trên thuyền neo sẵn ở bến sông trước nhà. Chủ nhà cúng bái tổ tiên, cúng ra mắt trước bàn hương án ngoài sân rồi mới làm lễ thả thuyền. Thấp 3 cây nhang trên bè, gia chủ vái đại ý cầu cho những điều không may cùng với năm cũ theo dòng nước đi, và cầu con nước đem về vận may theo năm mới đến. Cuối cùng là nghi thức đốt giây vàng bạc và thả thuyền. Thuyền phải thả khoảng trước 6 giờ sáng để cho những người khuất mặt có thể chứng kiến.Xong mọi nghi thức, tất cả thành viên trong gia đình cùng ăn bữa cơm sáng.

            Thật ra, đối với các vị chánh thần, lễ vật dân cúng của con người ban đầu mang tính chất tạ ơn nhưng dần về sau nó mới trở thành hành vi mua chuộc như trên đã đề cập. Đối với tà thần (bao gồm cả ma quỷ) có khi con người dựa vào lực lượng chánh nghĩa để tiêu diệt hoặc khuất phục chúng (như trường hợp trông cậy vào Tiêu diện đại sĩ hoặc Thái Thượng lão quân…), có khi vì bị ám ảnh bởi sức mạnh huyền bí mà người ta quay sang đút lót chúng.

            Nếu lễ tống ôn tống phong thiên về sự đối đầu của cộng đồng dân cư đối với cái xấu, cái ác vô hình thì tục thả thuyền tại gia đình ngày mùng 3 Tết lại chủ yếu thể hiện nguyện vọng sống an lành của người dân miền sông nước.

                                                                                                                Trần Văn Nam

Tài liệu tham khảo
1.Bùi Xuân Mỹ…(1996), Từ điển lễ tục Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
2.Nhiều tác giả (2004), Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây