Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ góp phần bảo tồn đờn ca tài tử tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba - 08/09/2015 14:15
Sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, đầu năm 2014, từ một nhánh sông nhỏ, đờn ca tài tử Nam Bộ đã hòa vào biển lớn của dòng di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Trong niềm vui lớn lao của dân tộc, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (TCVHNT) Cần Thơ tự hào vì đã có gần 20 năm đào tạo chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp đờn ca tài tử, góp phần vào công cuộc bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 
Năm 1995, từ khi mới thành lập, Trường đã mở lớp sơ cấp đờn ca tài tử đầu tiên với 40 em theo học, không thu học phí, lo ăn ở cho các em từ nguồn ngân sách do Sở Văn hóa Thông tin cấp. Đây là lớp học sinh có năng khiếu bẩm sinh, yêu tiếng đờn, lời ca tài tử. Năm 1997, Trường tuyển sinh lớp trung cấp diễn viên cải lương đầu tiên với 21 em trúng tuyển, học trong 4 năm. Kể từ đây, Trường bắt đầu quá trình đào tạo chuyên nghiệp loại hình nghệ thuật cải lương được bắt nguồn từ nghệ thuật đờn ca tài tử.

“Đờn ca tài tử” là cụm từ diễn đạt việc hòa tiếng đờn cùng với lời ca một cách ngẫu hứng, phiêu lãng, không lệ thuộc vào không gian biểu diễn. Đờn ca cải lương là nghệ thuật tổng hợp, thường phải có tuồng tích, kịch bản, nhân vật, không gian biểu diễn, đạo cụ… Về bài bản, đờn ca tài tử và đờn ca cải lương có 20 bài tổ giống nhau chỉ khác nhau ở phong cách trình bày.

Trong quá trình đào tạo, Trường TCVHNT Cần Thơ luôn tuyển song song 2 lớp “Diễn viên” và “Nhạc công” để 2 loại hình “Đờn” và “Ca’ phát huy tác dụng, hỗ trợ cho nhau. Theo quy định tại Chương trình khung năm 2004 của Bộ Văn hóa thông tin trước đây, các em học “Diễn viên” phải học ca cải lương 510 tiết, tập trung học trong 2 năm đầu; Học “Nhạc công” phải biết đờn 2 loại nhạc cụ chính, phụ với tổng số 930 tiết.

Khi học ca, các em học đủ 20 bài tổ của đờn ca tài tử và được hướng dẫn cả 2 phong cách trình bày của tài tử và cải lương. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, các em có thể vừa hát tài tử, vừa ca cải lương.

Nhạc cụ chính được giảng dạy cho lớp “Nhạc công” là cây đàn Ghita phím lõm, nhạc cụ phụ các em có thể chọn để học là đàn Kìm, Cò, Tranh, Bầu…Các em được học 20 bài tổ của đờn ca tài tử để biết cách đọc và đờn các “Chữ đờn”- là những ký hiệu để phân biệt âm vực cao thấp như: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Các em học “Nhạc công” được hướng dẫn phân biệt cách đờn cho tài tử và cải lương giống và khác nhau như thế nào. Sau khi ra trường, các em có thể chơi đàn theo cả hai phong cách tài tử và cải lương.

Tính đến năm 2014, Trường đã đào tạo được 10 khóa trung cấp “Diễn viên cải lương” với 105 em trúng tuyển, tốt nghiệp được 41 em; Đào tạo được 9 khóa trung cấp Nhạc công cải lương (Nhạc kịch hát dân tộc) với 15 em trúng tuyển, tốt nghiệp được 7 em. Những con số trên còn rất khiêm tốn với tỉ lệ 2, 3 em ở đầu vào chỉ còn 1 em ở đầu ra, nhưng đây là lực lượng có sức lan tỏa, góp phần duy trì hoạt động và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Cần Thơ, số người theo học Diễn viên và Nhạc công cải lương chuyên nghiệp không nhiều, gần 20 năm được chưa đầy 20 em. Nhưng rải rác ở cả 12 tỉnh  miền tây Nam Bộ đều có người theo học tại trường. Mặc dù các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật nhưng hầu như các trường chưa đào tạo được 2 chuyên ngành “Nhạc công” và “Diễn viên cải lương” ở bậc trung cấp như Trường VHNT Cần Thơ. Vì vậy, đôi khi các trường bạn gọi đùa trường Cần Thơ là “Anh Cả”.

Để các em ngành Sân khấu cải lương sau khi ra trường thuận lợi trong tìm việc làm, tại buổi biểu diễn vở tốt nghiệp của các em, Trường TCVHNT Cần Thơ thường gởi thơ mời đến các Sở Văn hóa, Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa,  đơn vị biểu diễn… trong khu vực để những nơi này đến xem rồi chọn người nhận về. Thông thường, nếu có khả năng thực sự, ra trường các em đều có “Đất dụng võ”. Có năm, các Đoàn nghệ thuật muốn tuyển người nhưng không có vì nơi khác đã tuyển hết rồi.

Hiện nay Trường TCVHNT Cần Thơ là nơi cung cấp thường xuyên đội ngũ diễn viên, nhạc công cải lương cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên của thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số học sinh do trường đào tạo đã thành danh trên sân khấu như: Chuông vàng vọng cổ năm 2006 Võ Minh Lâm, Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 2012 Nguyễn Phương Anh, Diễn viên xuất sắc Hội diễn các Trường VHNT toàn quốc năm 2010 Võ Thị Hồng Thủy. Những cái tên: Kiều Nga, Nhựt, Tô Tấn, Loan, Trang, Gấm, Hóa, Cường, Khoa, Nhung…cũng được ghi dấu lại qua nhiều giải thưởng như giải Bông lúa vàng, tiếng hát Trần Hữu Trang, Tiếng hát nông dân…Huy chương vàng, bạc, đồng, khuyến khích trong các cuộc thi đờn ca tài tử và cải lương ở địa phương hay toàn quốc là những thành tích mà các em đã gặt hái được.
Để có những cây lành trái ngọt như ngày hôm nay, Trường TCVHNT Cần Thơ đã trải qua nhiều năm vun trồng và chăm sóc vườn ươm đờn ca tài tử, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít.

Nét độc đáo trong đào tạo nghệ thuật sân khấu dân tộc tại Trường TCVHNT Cần Thơ là sau khi ra trường, người học có thể vừa đờn ca tài tử, vừa đờn ca cải lương. Sở dĩ Trường làm được điều ấy vì ngay từ khi mới thành lập, khoa Sân khấu của Trường đã được thầy giáo-nghệ nhân Nguyễn Thanh Liêm phụ trách. Đây là người con Nam Bộ thông thạo cả nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, đã có 60 năm đi cùng nghệ thuật đờn ca tài tử và 20 năm tham gia đào tạo vừa theo kiểu truyền nghề, vừa theo kiểu mô phạm với cả 2 loại hình chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Đến nay, mặc dù nghỉ hưu được 5 năm, Thầy vẫn miệt mài gắn bó với nhà trường để tiếp tục đào tạo cả đờn và ca. Báu vật “Phi vật thể” đờn ca tài tử của đồng bằng Nam Bộ đang được giữ gìn và truyền lại tại Trường TCVHNT  Cần Thơ bởi một “Vật thể”  tâm huyết, có trách nhiệm, vẫn đang ngày đêm đau đáu với nghề.

Từ năm 2005, Quyết định 82 của Thủ tướng chính phủ quy định các em theo học ngành cải lương được giảm 70 % học phí đã tạo nhiều thuận lợi cho phụ huynh và học sinh nhưng đến năm 2010, Thông tư 29 quy định số tiền giảm học phí phải nhận ở Phòng lao động - thương binh và xã hội địa phương nơi học sinh ở gây ra nhiều bất cập, khiến các em mất thời gian làm thủ tục nhưng về địa phương có khi không nhận được khoản tiền này. Hy vọng trong thời gian tới, với chính sách thay đổi, các em chỉ phải đóng 30 % học phí tại trường.

Một khó khăn lớn Trường đang đối diện là số người học tài tử, cải lương  ngày càng ít đi. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn với tương lai không ổn định khiến nhiều người đam mê theo học nhưng không đi đến cuối con đường mà chỉ coi như một cuộc chơi cho thỏa chí tang bồng. Năng khiếu của người học trong tuyển sinh đầu vào không đồng đều nên khi dạy khá vất vả.

Trường TCVHNT Cần Thơ đang trong quá trình chuyển mình đi lên trở thành trường Cao đẳng, hy vọng sau khi chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2014 - 2020) được triển khai, những khó khăn mà Trường gặp phải được hòa tan, vườn ươm tài năng đờn ca tài tử của Trường sẽ ngày càng nở rộ, trao cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hoa lành, trái ngọt.
 

Tác giả: Dương Thị Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi