Miền Nam nhớ Bác!

Thứ năm - 12/12/2019 20:13

Miền Nam nhớ Bác!

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”
Khi nhắc đến hai tiếng Bác Hồ, mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn cảm thấy thân thương và gần gũi hơn bao giờ hết. Vẻ đẹp của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân,  vì nước, một trái tim tràn ngập yêu thương và bản lĩnh phi thường ấy đã trở thành cảm hứng để các nhà thơ sáng tạo nên những tác phẩm song hành cùng thời gian.
Sinh ra và lớn lên ở Miền Nam, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được học bài thơ “Viếng lăng bác” của nhà thơ Viễn Phương, bài thơ đã giúp tôi cùng rất nhiều thế hệ học sinh bồi đắp thêm tình cảm kính yêu đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Lần đầu được ra thăm lăng Bác, trong sự xúc động khôn nguôi, nhà thơ Viễn Phương đã viết ra những câu thơ thật đẹp để thể hiện sự thương yêu, kính trọng đối với vị cha già dân tộc. Tôi chắc rằng, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bạn trẻ ở miền Nam khác, đều mong ước một lần được viếng lăng bác, bởi trong trái tim mỗi người dân đất Việt, Bác dường như vẫn còn sống mãi.
Nếu như lãnh tụ Fidel Castro là niềm tự hào của đất nước Cu Ba, Lê-nin là vị lãnh tụ đáng kính của nhân dân Xô viết thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị sao sáng soi đường chỉ lối, là vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Điều đầu tiên khi nhắc về Hồ Chủ Tịch là nhắc đến một người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà cách mạng với tư tưởng tiến bộ, với lí tưởng, khát khao mãnh liệt "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Làm sao chúng ta quên được, để có được tự do, ấm no như hiện tại, đã từng có một vị anh hùng khi chứng kiến cảnh nước nhà bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân bị đày đọa khổ cực, khác với những nhà chí sĩ yêu nước khác chọn cách đưa thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập, người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó đã lựa chọn con đường bôn ba nước ngoài để tự mình "làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy" và hơn hết đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Trong hành trình gian khổ đi tìm đường cứu nước ấy, Người đã đi qua 28 quốc gia trên thế giới trong vòng 30 năm chỉ với hai bàn tay trắng, trải qua rất nhiều công việc từ lao động chân tay nặng nhọc như cào tuyết, phụ bếp, làm vườn, vét bùn, làm công ở cảng đến những nghề trí óc như viết báo, rửa ảnh,..., không biết bao nhiêu lần bị giam giữ trong ngục tù ở Trung Quốc. Phải trải qua vô vàn những tháng ngày cực khổ nhưng người thanh niên ấy chỉ mong đổi lấy hạnh phúc, tự do cho nhân dân và khát khao tìm ra con đường cách mạng đúng đắn giải phóng dân tộc khỏi lầm than. Nhờ có Người soi đường dẫn lối, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi xiềng xích của Pháp, đánh đuổi tên đế quốc Mỹ sừng sỏ nhất thế giới và trở thành một đất nước hoàn toàn tự do, hưng thịnh như ngày hôm nay.
Đối với con dân đất Việt:
"Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả máu lớn lọc trong dòng máu đỏ"
(Tố Hữu)

Người gần gũi, yêu thương, quan tâm chăm lo đến đời sống từ em nhỏ đến các cụ già, từ đồng bào miền núi đến nhân dân miền xuôi, từ anh chiến sĩ đến những người dân công. Biết bao đêm Bác trằn trọc băn khoăn không ngủ được vì lo lắng cho vận mệnh của dân tộc, ngay cả khi ốm mệt nằm trên giường bệnh, Người vẫn không nguôi suy nghĩ đến miền Nam ruột thịt: "Trong Nam mấy hôm nay đánh thế nào?"
Dù Bác đã đi xa nhưng tấm gương đạo đức cách mạng và lối sống thanh cao giản dị của Người vẫn còn mãi với dân tộc Việt Nam. Hồ Chủ Tịch xứng đáng là vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới khiến cả thế giới nói chung và dân tộc ta nói riêng yêu mến, ngưỡng mộ, tự hào.

Tác giả: Tường Lam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi