Văn hoá nghệ thuật Cần Thơhttps://vhntcantho.edu.vn/uploads/lodo.png
Thứ sáu - 31/05/2019 07:12
Đổi mới cách học, cách thi, lồng ghép những thông điệp ý nghĩa trong các hoạt động vui chơi, giải trí ... được Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ thực hiện, giúp học sinh, sinh viên hứng thú hơn trong học tập, nâng cao kiến thức.
Vừa qua Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ tổ chức đêm nhạc “Tuổi trẻ và Đam mê”, với những màn trình diễn bài bản, sôi động hấp dẫn của sinh viên. Những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả càng giúp họ thăng hoa và tỏa sáng hơn trên sân khấu, trình diễn hứng khởi như những người nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Thông thường, khi kết thúc một môn học, các bạn học sinh, sinh viên của các ngành thi báo cáo môn học đó bằng cách trình diễn tiết mục kịch như : ca, múa, hát, đàn , diễn kịch, trích đoạn cả lương...để ban giám khảo, hội đồng giáo viên chấm điểm. Lớp Đại học Âm nhạc (do Nhạc viện TP Hồ Chí Minh liên kết Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ tổ chức) tiến hành thi kết thúc môn Hòa tấu bằng một hình thức sáng tạo hơn nữa : thay vì thi diễn riêng lẻ, các bạn liên kết, tổ chức thành một chương trình công phu, hoàn chỉnh như một đêm nhạc giải trí. Ngô Tài Phúc, sinh viên lớp Đại học Âm nhạc cho biết: “Khi được thầy Quách Tiến Dũng gợi ý về tổ chức đêm nhạc, lớp chúng em hưởng ứng và cùng nhau triển khai ý tưởng thành hiện thực. Nhờ Ban giám hiệu tạo điều kiện, sự hỗ trợ của Đoàn trường và các mạnh thường quân, đêm nhạc thành công ngoài mong đợi. Em và các bạn rất vui, trình diễn hết mình và không có áp lực thi cử. Đây cũng là động lực để chúng em tiếp tục phát huy hình thức này trong những lần báo cáo kết thúc môn học tiếp theo”.
Đêm nhạc có tổng cộng 14 tiết mục . Trong đó, 11 tiết mục của các bạn sinh viên và và 3 tiết mục giao lưu của khách mời. Thầy Lê Thanh Hoàng, giáo viên khoa Âm nhạc và Múa, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, chia sẻ : “Thấy các em đam mê và tâm huyết nên tôi hỗ trợ một phần kinh phí cho chương trình và tham gia biểu diễn giao lưu. Tôi mong rằng đêm diễn sẽ tạo thêm niềm tin và động lực cho các em trong học tập cũng như làm gương để cho các lớp khác học hỏi”.
Trong tháng 5 này, các bộ môn khác của trường cũng tổ chức các đêm diễn báo cáo kết thúc môn học được đầu tư chỉn chu mọi mặt như: vở kịch dài “ Cơn mê cuối cùng” của lớp Diễn viên – Kịch Điện ảnh K13 do thầy Thạch Chanh hướng dẫn; trích đoạn cải lương “Lá sầu riêng” và “Ánh sáng phù du” của lớp Diễn viên Cải lương K14 dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Thanh Bình ....Những buổi biểu diễn này mang lại nhiều cảm xúc cho khán gải cũng như tiếp lửa cho niềm đam mê nghệ thuật của học sinh, sinh viên.
Trước đó, dịp 26-3, ngoài cắm trại Đoàn trường còn tổ chức cho các lớp giao lưu văn nghệ và thi tài với nhau bằng hình thức mới. Đó là cho các lớp lựa chọn và biểu diễn 1 trong 7 chủ đề mang tính thời sự như: đối xử với nhau trong cuộc sống, thanh niên với lập thân lập nghiệp, thanh niên với mạng xã hội, thanh niên với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn văn hóa truyền thống , sự vô cảm, hiếu thuận. Các đội thi đã xâu chuỗi các tiết mục thành một chương trình liền mạch, làm bật nội dung, chủ đề cần truyền tải, tạo sự hứng thú và lôi cuốn người xem. Anh Huỳnh Ngọc Đoàn, Phó bí thư Đoàn trường , cho biết: “ Hình thức này khai thác được những yếu tố văn hóa, văn nghệ trong tuyên truyền, giúp người xem dễ tiếp thu hơn và các bạn học sinh sinh viên phát huy kiến thức, kỹ năng đang học”.
Không chỉ mang đến cho học sinh, sinh viên những trải nghiệm mới, những động lực mới,các chương trình trên còn kết nối giữa trường với khán giả bên ngoài (đến xem miễn phí).