Đoạn trích "Lá sầu riêng" nói về người phụ nữ tên Diệu (Hồng Yến) hoàn cảnh gia đình nghèo khó phải lấy con của bà hội đồng, một người chồng thiểu năng, sinh ra được bé Sang (Bá Vạn). Không may người chồng mất sớm, mẹ chồng (Kim Cương), em chồng (Bé Huyền) trút hết mọi tội lỗi lên đầu cô, mẹ chồng chỉ thương cháu nội, còn con dâu thì hành hạ không thương tiếc, bà không cho bé Sang gọi cô Diệu bằng mẹ, chỉ gọi chị Hai. Cô Diệu phải chịu bao cảnh đắng cay tủi nhục, vẫn cố ở lại để phục vụ gia đình chồng, vì không nỡ xa lìa núm ruột của mình. Ở quê, người mẹ già không hay tin tức gì của con gái, mẹ Diệu (Tuyết Phương) đã lặn lội từ quê lên thăm con và cháu ngoại, bà chứng kiến cảnh con mình bị nhà chồng hất hủi, hành hạ nhẫn tâm. Bản thân bà cũng bị coi thường và đổ oan cho là ăn cắp gạo. Cô Diệu không muốn mẹ chứng kiến hoàn cảnh hiện tại, cô đã van xin mẹ trở về quê. Trong giây phút bịn rịn đớn đau đó, mẹ Diệu đã trao lại cho cô đôi bông tai mù u, rồi lầm lũi ra về trong nức nở. Đó là lần gặp cuối cùng của bà và con gái.
Người mẹ già (Tuyết Phương) lên thăm con gái (Diệu - Hồng Yến)
Diễn xuất của Hồng Yến và Tuyết Phương trong phân đoạn này rất xúc động, Tuyết Phương tái hiện lại hình ảnh khác khổ của người mẹ , phải quặn lòng ra về bỏ lại đứa con gái bơ vơ không nơi nương tựa, chịu đựng đòn roi hành hà của mẹ con bà hội đồng, tiếng nghẹn xé lòng lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Bé Huyền vào vai cô Ba, một tiểu thư nhà giàu khó khăn chảnh chọe, vai diễn ít lời thoại nhưng biểu cảm ánh mắt rất sắc, sự đanh đá của nhân vật này một phần lột tả được cuộc sống đầy đau khổ của nhân vật Diệu khi sống chung với gia đình chồng.
Bé Huyền (ngoài cùng bên phải) vào vài Cô Ba đanh đá
Sự kết nối từ trích đoạn “Lá sầu riêng” sang “Ánh sáng phù du” bằng 2 ca khúc nhạc trữ tình quê hương do nghệ sĩ Hồng Toán và Phúc Hậu trình bày.
Có lẽ nhân vật Hạnh do Bá Vạn thủ vai và Huệ do Kim Cương diễn đã lấy nước mắt của người xem nhiều nhất, bước chân của Hạnh khập khiễng, chông chênh như cuộc đời của anh không điểm tựa.
Mối tình của Hạnh và Lan rất đẹp, họ đồng cam cộng khổ bên nhau từ lúc còn bơ vơ, bị "bà Sáu dao lam" hành hạ, đến khi tìm được cha ruột, những tưởng sẽ được hạnh phúc, ai ngờ lại bị quan niệm hèn sang chia cắt.
Ông Khương (Nguyễn Pháp) ép Hạnh (Bá Vạn) từ bỏ Lan
Nguyễn Pháp trong vai ông Khương cha của Lan, đại diện cho định kiến gia đình, ông đã dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ mối tình tốt đẹp giữa Lan và Hạnh, tiếng hát là phương tiện cứu vớt xúc cảm trái tim, thế mà cũng bị ông Khương bóp nghẹt. Ông đã để cho An (Ngọc Lân) học ca, học điệu bộ của Hạnh để đánh tráo. Tình yêu, cảm xúc, thân phận của Hạnh đã bị cướp đi một cách nhẫn tâm. Cách thể hiện tâm lí nhân vật sống động, Nguyễn Pháp gần như đã lột tả được bản chất gian xảo của người đàn ông này.
Đoạn trích còn gây bất ngờ trong lựa chọn phân đoạn, khán giả trông chờ sự xuất hiện của Lan, nhưng nhân vật Huệ được chọn làm điểm nhấn cho phần kết thúc đoạn trích.
Huệ (Kim Cương) chăm sóc tận tình cho Hạnh (Bá Vạn) trong những ngày bệnh tật
Huệ cũng có số phận bi đát đáng thương không kém Lan, hình ảnh cô gái mù chăm sóc tận tâm cho chàng trai khuyết tật, bằng cả trái tim nhân hậu. Huệ mất cả cha lẫn mẹ trong một tai nạn nổ pháo, mà người gây ra chính là người chị làm nghề buôn hương bán phấn của cô, chị gái Huệ biết được nguyên nhân gây ra bi kịch cho gia đình, đã điên loạn và nhảy sông tự vẫn, để lại đứa em mù lòa côi cút bơ vơ. Ưóc mơ nhỏ bé của Huệ là được thay Lan chăm sóc yêu thương Hạnh, cuối cùng ước muốn đó cũng bị khước từ. Hình ảnh cô gái tật nguyền bé nhỏ, ôm chiếc chiếu rách, nhường lại chiếc lành cho người mình yêu, lầm lũi dò đường đi trong đếm tối. Kim Cương đã làm tròn vai diễn, đã chạm vào mạch cảm xúc của người xem.
Hơn 90 phút của 2 đoạn trích, học trò lớp Diễn viên cải lương K14 đã hóa thân thành nghệ sĩ đầy chuyên nghiệp. Những màn hát, thoại thể hiện mượt mà, đầy cảm xúc. Thành công của đêm diễn còn có sự hỗ trợ của ban nhạc công và phần cùng dự thi của Thiện Vinh lớp Nhạc công cải lương K13, đã góp phần hoàn thành tốt buổi báo cáo môn học vào cuối kì.