Chàng sinh viên lớp Cao đẳng Quản Lý Văn Hóa đa tài

Thứ hai - 17/06/2019 05:37

Chàng sinh viên lớp Cao đẳng Quản Lý Văn Hóa đa tài


               Từng bị gia đình cấm cản nhưng tình yêu nhạc cụ dân tộc của chàng trai miền đất Hậu Giang chưa bao giờ vụt tắt. Ngoài yêu đàn, anh còn thích sưu tầm máy hát xưa, băng cassette, đĩa nhựa, hình ảnh nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, đến nay con số này lên tới hàng ngàn. Anh chính là Trương Tài Linh, sinh năm 1993. Hiện là thành viên sáng lập nhóm facebook Đàn tranh Việt Nam.
              Mê nhạc cụ dân tộc
           Sinh ra ở vùng đất Nam bộ - cái nôi của cải lương, dân ca nên lời ru, tiếng hát của mẹ và bà đã in sâu vào trong ký ức của Tài Linh. Và xuất phát từ lẽ tự nhiên, khi lớn lên chàng trai trẻ này vẫn cứ thích được nghe tiếng đàn, tiếng hát về quê hương của mình. Chợt một lần xem ti vi, thấy NSƯT Hải Phượng đàn bài “Vọng kim lang”. Như gãi đúng vào “chỗ ngứa”, Tài Linh thấy mê mẩn và quyết định chạy theo tiếng đàn tranh đó.
         Thế nhưng, khi biết được đam mê của con, cha anh lại cấm cản vì cho rằng cái nghề này vất vả, sợ con không có tương lai. “Còn nhớ, lúc đi học để có tiền mua được cây đàn, tôi phải đi làm phục vụ cho một quán cà phê. Tích góp lắm mới được 700 ngàn đồng. Thế là đi mua cây đàn về ngay. Nhưng đem về nhà mà đâu có dám lấy ra đàn, cất trong tủ áo, đợi cha đi đâu mới lấy ra chơi” - Tài Linh nhớ lại.
         Sau khi học xong cấp 3, Tài Linh học tiếp tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ theo lời gia đình. Trong khoảng thời gian học tại đây, chàng trai miền Tây lén đi học đàn ở bên ngoài, rồi đi dạy thêm. Cứ đều đặn mỗi buổi chiều tối, tiếng đàn tranh lại ngân lên trong khuôn viên trường. Tiếng đàn lúc trầm ngâm, ưu tư, lúc réo rắt vui tươi gương mặt điển trai như tài tử, thu hút rất đông các bạn sinh viên. Biết được niềm đam mê nghiêm túc của con trai nên sau đó cha anh đã ủng hộ.
         Để nâng cao tay nghề, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Tài Linh tiếp tục thi vào Trường Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ và học chuyên về đàn tranh. “Ở quê mình, có rất ít người theo đuổi đàn tranh. Các câu lạc bộ, hội sinh viên ở Cần Thơ cũng không có. Nhưng đàn tranh lại rất thú vị. Giai điệu sâu lắng như có pha với tiếng chim hót, dòng nước chảy. Dù đi đâu, khi cất tiếng đàn lên sẽ giúp chúng ta vơi đi nỗi nhớ nhà” - Tài Linh cho biết!
          Cũng theo Tài Linh, mỗi nhạc cụ đều có cái khó của nó. Đặc biệt ở đàn tranh, người nghệ sĩ phải sử dụng bàn tay trái để rung, nhấn, vuốt, chạy ngón… muốn được đàn hay, phải kiên trì tập luyện, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn.
           Truyền lửa đam mê cho người khác
             Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành có nhiều người trẻ đam mê nhạc dân tộc nhưng lại không có điều kiện để tiếp xúc, học tập. Với mong muốn được chia sẻ đam mê của mình cho người khác, Tài Linh đã mạnh dạn thành lập nhóm Đàn tranh Việt Nam trên facebook, đưa các video lên đó để mọi người có thể học tập, chiêm ngưỡng tiếng đàn Việt Nam, trong số những người theo dõi, có cả người nước ngoài. Tài  Linh tiết lộ: “Họ rất là thích thú, có người còn gửi quà từ bên Mỹ về tặng, khi về nước còn đến thăm, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc”
         Không chỉ vậy, Tài Linh còn tổ chức cuộc thi Tiếng đàn tranh Việt - Đàn tranh online lần thứ nhất 2018, để  tạo điều kiện cho các bạn trẻ giao lưu, gặp gỡ. Hiện cuộc thi đang tiếp tục phát động lần thứ hai.
       Điểm đáng quý ở chàng trai trẻ này là có ý thức truyền dạy lại cho những bạn trẻ có cùng đam mê. “Trong số học viên của Linh có một cụ 72 tuổi, tay chân lệu khệu nhưng rất đam mê đàn. Tuy nhiên do hồi trẻ, cụ không có cơ hội được học, rồi vì cơm áo gạo tiền, vì gia đình nên đến bây giờ mới có thời gian thảnh thơi để học. Linh rất trân quý những người như vậy. Do đó Linh dạy họ theo một cách khác, dạy lớp trẻ cách khác để những người có đam mê đều được thể hiện” - chàng trai trẻ tâm huyết.
         Để các em học sinh có thể tiếp cận với nhạc cụ dân tộc từ nhỏ, Tài Linh còn mở lớp dạy đàn tranh miễn phí. “Mình muốn tuổi thơ các em biết về nhạc cụ dân tộc để sau này lớn lên, còn có ký ức về nó” - Tài Linh mong mỏi.
         Hiện nay, nhạc hiện đại, nhạc nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, thu hút phần lớn bạn trẻ, khiến trong lòng các em không có hình bóng của nhạc dân tộc. Để kéo các bạn về với nét văn hóa truyền thống, Tài Linh tự mày mò tìm hiểu thêm để đàn các bài nhạc trẻ. “Khi mình đàn nhạc trẻ dĩ nhiên là các bạn rất thích, sau đó mình chuyển qua các bài tài tử, cải lương, dân ca để dẫn các bạn vào” - Tài Linh bật mí.
            Ngoài yêu đàn, Tài Linh còn có sở thích sưu tầm máy hát xưa, băng cassette, đĩa nhựa, hình ảnh nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Con số sưu tầm những món đồ này đã lên tới hàng ngàn, trong đó cassette cải lương là nhiều nhất (hơn 2.000 cuộn). “Hồi nhỏ tới giờ mình không thích nhạc trẻ, chỉ thích nghe nhạc dân tộc. Đó là cái hồn của quê hương và dễ đi sâu vào lòng người. Dù mỗi bài hát có ca từ, giai điệu riêng nhưng đều chứa đựng cả tuổi thơ của mình trong đó”  - Tài Linh bộc bạch.

Tác giả: Hồ Trinh ( giaoduc.edu.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi