Bác Hồ - Nguồn cảm xúc bất tận

Thứ hai - 15/04/2019 20:46
      Ngày còn bé, tôi nhớ trong nhà tôi có một tủ sách rất to, được đóng bằng những mảnh gỗ tạp dư thừa mà Cha tôi tận dụng từ xưởng mộc của gia đình bác họ (Cha tôi biết làm mộc rất khéo tay), chiếc tủ tiết kiệm ấy rõ là chẳng có mấy giá trị vật chất, nhưng trong lòng nó lại chứa đựng cả một gia tài tinh thần vô giá: Những quyển sách, những quyển sách dày cộp và mỏng dính, những cuốn sách phần lớn đã ố vàng, sờn rách chen chúc lẫn  một vài quyển hiếm hoi có màu giấy…khá sáng sủa! Tôi bị mê hoặc bởi tủ sách “thần kỳ” này, thường tranh thủ lén Cha và Anh Hai “thó” vài quyển đem ra mé bờ ao rậm rạp um tùm bóng cây ăn quả vườn nhà để đọc một cách say sưa…

      Theo lẽ thường tình thì một đứa bé gái đang độ tuổi học cấp Một ăn chưa no lo chưa tới như tôi sẽ chỉ chúi mũi vào những quyển truyện cổ tích, truyện thần tiên mơ mộng v..v…Tất nhiên là thế, nhưng chẳng hiểu sao tôi cũng có sự quan tâm đặc biệt đến mảng đề tài về Danh nhân văn hóa và chính trị. Có lẽ bắt đầu chỉ vì sự hiếu kỳ, muốn “khám phá, tìm hiểu lịch sử xã hội” thông qua những câu chuyện về số phận, cuộc đời hoạt động của các vĩ nhân trên thế giới…Nhưng dần dà, những câu chuyện ấy đã dẫn dắt tâm trí tôi hướng đến những điều mới mẻ và giúp hình thành những suy nghĩ chin chắn hơn, trưởng thành hơn trong tôi. Tôi đã đọc sách viết về Albert Einstein, Isaac Newton, Maride Curie, Kovalevskeya và một số những danh nhân khác trên thế giới…mỗi câu chuyện về các nhân vật tài danh ấy đều gây nên những ấn tượng nhất định đối với tôi, nhưng chắc chắn không có câu chuyện nào làm đọng lại trong tôi một cảm xúc rất thật, rất gần gũi, ấm áp và tin yêu như những câu chuyện viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam ta, những câu chuyện ngắn gọn và giản dị kể về Bác trong một quyển sách nhỏ bé cũ kỹ mà rất tiếc tôi không nhớ tựa đề chính xác, nhưng nội dung và ý nghĩa thì tôi không bao giờ quên…Từ đó, trong tôi nảy sinh một tình cảm kính phục sâu sắc với Bác Hồ, cho đến tận bây giờ sau nhiều năm đã trôi qua, tình cảm ấy vẫn không mai một và tôi muốn chia sẻ với mọi người cảm xúc của tôi dựa trên một trong những câu chuyện tôi đã được đọc về Bác trong quyển sách năm xưa…

“ Bát chè sẻ đôi"

      Đồng chí liên lạc đi công văn 10 giờ đêm mới đến. Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phèn, mà anh em phục vụ vừa mang lên, xẻ một nửa cho đồng chí liên lạc.

      – Cháu ăn đi!

      Thấy đồng chí liên lạc ngần ngại, lại có tiếng đằng hắng bên ngoài, Bác giục:

      – Ăn đi, Bác cùng ăn…

    Cám ơn Bác, đồng chí liên lạc ra về. Ra khỏi nhà sàn, xuống sân, đồng chí cấp dưỡng bấm vào vai anh lính thông tin:

    – Cậu chán quá. Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu lại ăn mất một nửa.

    – Khổ quá, anh ơi! Em có sung sướng gì đâu. Thương Bác, em vừa ăn vừa rớt nước mắt, nhưng không ăn lại sợ Bác không vui, mà ăn thì biết cái chắc là các anh mắng mỏ rồi. “

    Trên đây chỉ là một câu chuyện nhỏ trong vô số những câu chuyện về tấm lòng thương yêu của Bác Hồ dành cho chiến sĩ, đồng bào ta.

     Câu chuyện về một bát chè đậu đen đường phèn nhỏ bé sẻ đôi, câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng chứa chan tình cảm lớn lao sâu đậm của vị Cha già dân tộc: Bác thương đồng chí liên lạc đi công văn buổi hôm khuya khoắt vất vả, Bác ân cần sớt nửa bát chè mà đồng chí cấp dưỡng đã nấu riêng cho Bác với dụng tâm bồi dưỡng thêm sức cho đồng chí liên lạc. Thời kháng chiến, đất nước ta còn bộn bề khó khăn, nhân dân thiếu thốn cái ăn cái mặc, nhưng Bác là Lãnh tụ của một nước, Bác có quyền được hưởng sự ưu đãi đặc biệt hơn mọi người, ấy vậy mà trong cõi lòng nhân ái mênh mang vô bờ của Bác, vốn không bao giờ có chỗ cho khái niệm cách biệt riêng tư, độc hưởng quyền lợi. Đối với chúng ta ngày nay, một bát chè bất quá “chỉ là một bát chè” hết sức bình thường. Nhưng nếu đó là bát chè thời chiến được nhường nhịn bởi vị Lãnh tụ kính yêu của chúng ta - ngay cả khi Bác cũng chẳng được ăn uống đủ đầy - liệu có làm đôi mắt chúng ta rưng rưng? Đồng chí liên lạc đã rớt nước mắt vì thương Bác, không nỡ mà vẫn phải ăn cùng vì sợ Bác buồn lòng, anh cấp dưỡng trách đồng chí mình, cũng vì thương Bác trăm công nghìn việc, thiếu thốn hao gầy…Trên thế giới này, liệu có mấy vị lãnh tụ như Bác? Ngày đêm lo việc quốc gia đại sự, nhưng Bác vẫn quan sát tỉ mỉ “những việc nhỏ” và quan tâm sâu sắc đến chiến sĩ, đồng bào… Bên cạnh Bác, xung quanh Bác, không ai bị bỏ quên hay cảm thấy có khoảng cách. Không phải tự nhiên mà nhân dân cả nước gọi Bác là vị Cha già của dân tộc, tình cảm ấy, sự tôn xưng ấy không có chút gì là hình thức màu mè mà xuất phát từ tấm tình trìu mến, yêu thương, tin cậy trọn vẹn và ngưỡng mộ nhiệt thành trước Bác - một nhân cách giản dị, gần gũi đồng thời vĩ đại xiết bao!
      Khi còn thơ bé, lần đầu tiên đọc sách viết về Bác Hồ, tôi không có cảm giác “choáng ngợp” trước vĩ nhân như lẽ thường. Nhưng tôi đã cảm thấy có điều gì đó sâu lắng rất đặc biệt trong những câu chuyện dù rất nhỏ kể về Bác như thế này. Khi lớn lên, tôi cũng dần hiểu rõ hơn, thấm nhuần hơn về giá trị đạo đức, ý nghĩa nhân sâu sắc trong từng câu chữ, lời văn…Và cảm xúc ngưỡng mộ sâu lắng đó vẫn luôn còn mãi trong tôi, hướng về Bác!
Nhiều năm vẫn nhớ những ngày
Xa xưa từ thuở xuân dầy tóc xanh
“ Gặp Người “, đôi mắt long lanh
Ngỡ gặp Cha, sưởi nhân lành trái tim
Bôn ba vì nước, đi tìm
Bác vì dân, chỉ vì dân suốt đời
Một lòng tôn kính Bác ơi
Viết vần thơ, gởi muôn lời dấu yêu!

Tác giả: Lê Thị Hồng Nga

 Tags: bác Hồ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi