Hồ Chí Minh là một nhân cách cao đẹp, bởi Người có đức trong, trí sáng, cống hiến trọn đời cho dân tộc và nhân loại tiến bộ, luôn hiện hữu với người Việt Nam yêu nước. Dù ai đó cố tình đặt điều nói xấu, xuyên tạc và tung tin ngụy tạo về Người, thì cũng chỉ là một hành động “bàn tay không che nổi mặt trời”.
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, con người hằng ngày, hằng giờ bị tống nhập biết bao tin tức, tin đúng nhiều và tin xuyên tạc sự thật cũng không ít. Len lỏi vào các kênh thông tin ấy, lợi dụng diễn đàn mở cũng như sự lan truyền rộng, nhanh của mạng in-tơ-nét, các thế lực thù địch đã trổ hết các “ngón nghề” thâm độc nhằm bôi xấu nhân cách Hồ Chí Minh. Nhưng, bôi làm sao được, khi cả cuộc đời của Người vô cùng trong sáng và đẹp đẽ; là tấm gương sáng không một chút bụi mờ, đã trở thành giá trị văn hóa thẩm thấu một cách tự nhiên vào đời sống của người Việt Nam yêu nước, như lớp lớp phù sa bồi đắp cho “cánh đồng” văn hóa của dân tộc càng thêm phì nhiêu.
Đạo đức trong sáng
Nói đến đạo đức Hồ Chí Minh thì không chỉ người Việt Nam chân chính, mà rất nhiều người trên thế giới, thậm chí cả những người không cùng chiến tuyến với Người đều phải nể trọng. Bởi lẽ, Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng nhân ái cao cả, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Người luôn tìm cách giác ngộ cho mọi người về quyền con người, tố cáo mạnh mẽ tội ác, áp bức, bất công của thực dân, đế quốc xâm lược và nô dịch những dân tộc nhược tiểu với bằng chứng thuyết phục nhất. Vì lẽ đó, Người là một chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, giải trừ chủ nghĩa thực dân, chống mọi áp bức đối với con người; đồng thời, luôn có khát vọng xây dựng một xã hội mới tốt đẹp - xã hội xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm nồng hậu và sự chăm lo mọi bề đối với người lao động, đặc biệt là những người bị yếu thế trong cuộc sống. Người luôn gần dân, hiểu dân, vì dân, phấn đấu cho sự cường thịnh của dân tộc, trung thành với lý tưởng của Đảng: đưa dân tộc Việt Nam đi lên chủ nghĩa cộng sản. Người hiến cả đời cho dân tộc và “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Người luôn lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ. Hồ Chí Minh đưa ra và tích cực thực hành quan điểm: Đảng phải “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”2; người cách mạng phải là người phục vụ nhân dân, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”3. Người nói: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không quần chúng sẽ đá đít”4. Ngay cả chức Chủ tịch nước của mình, Người cũng nói là “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”5. Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ tiêu biểu nhất trên thế giới có cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - những đặc tính cao đẹp của con người chân chính như một lẽ tự nhiên: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người”6.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân đang gặt lúa ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Ảnh tư liệu |
Đó cũng chính là những nội dung, giá trị cốt lõi của đạo đức mới - đạo đức cách mạng được Người đúc kết và thực hành. Giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng được hội tụ, giao thoa và cộng hưởng trong nhân cách của Người, trở thành khuôn mẫu lý tưởng cho đạo đức xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cuộc đời của Người là sự trọn vẹn của các giá trị chân - thiện - mỹ, không bị tha hóa. Từ thuở thiếu niên cho đến phút lâm chung, từ lúc hàn vi với thân phận của một người dân nô lệ, luôn bị mật thám đế quốc theo dõi, bị tù đày, bị xử án tử hình vắng mặt đến khi trở thành Chủ tịch nước, Người luôn thủy chung với chính mình, tịnh tâm tu dưỡng giữa muôn vàn cái động, cái biến thiên của sự đời và không hề bị suy chuyển trước mọi sự cám dỗ của quyền lực, tiền bạc, v.v. Hồ Chí Minh còn là hiện thân của tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của các dân tộc trên thế giới. Nhân loại tiến bộ trên thế giới thấy ở Người niềm tin vào cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của con người.
Trí tuệ sáng trong
Nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh còn được tăng thêm, tôn đẹp lên bởi trí tuệ của Người. Trí tuệ ấy là kết tinh của tri thức nhân loại, là kết quả của quá trình kế thừa giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng phát triển, sáng tạo trong thời đại mới. Trong nhân cách của Người, ta thấy sự sâu sắc của một nhà hiền triết phương Đông, sự uyên bác như một nhà thông thái phương Tây và sự nhạy bén của một nhà cách mạng lỗi lạc. Người để lại cho đời sau di sản tư tưởng, lý luận đồ sộ, hàm chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc trong cuộc sống và là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người là nhà lãnh đạo cách mạng, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thơ,… Ở vai trò nào, Người cũng cho ta những chỉ dẫn sáng suốt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Điều đó chỉ có được ở một nhân cách vĩ đại, lấy việc học tập suốt đời để nâng cao nhận thức, coi việc rèn luyện trong thực tiễn để hoàn thiện bản thân. Người học trong đường đời, học mọi lúc, mọi nơi; học ở nhân dân, ở nhân loại cần lao. Động lực và mục đích của việc học tập, tu dưỡng của Người là vì dân, vì nước, vì tiến bộ của nhân loại mà không hề mưu lợi cho bản thân; học để làm việc, làm người, làm cán bộ; để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại; luôn đem trí tuệ của mình phục vụ cách mạng. Điều đó làm cho trí tuệ của Hồ Chí Minh sáng trong muôn đời, tô đậm thêm nhân cách cao đẹp của Người. Nhân cách ấy chỉ có ở người có chí lớn, luôn hướng thiện và sẵn lòng phục vụ cho sự tiến bộ - nhân cách của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, điều kiện sống của con người có sự phát triển lớn, nhưng vẫn còn đó những điều đáng lo ngại cho sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách con người. Đâu đó trên thế giới, máu vẫn đổ trong những cuộc tranh chấp, chiến tranh, khủng bố; vũ khí hạt nhân, máy bay, xe tăng, tên lửa,… vẫn còn là những phương tiện để con người ứng xử với nhau. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu, sự phát triển của tri thức khoa học phải phục vụ cho tiến bộ nhân loại; trí và đức phải là hai nhân tố quyện chặt với nhau thành một thể thống nhất cho quá trình hình thành, phát triển nhân cách và là sự vận hành của thế giới đương đại. Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, không ai có thể phủ nhận tư tưởng và nhân cách của Người đã trở thành những giá trị tiến bộ của thế giới; không những là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam mà còn là giá trị chung cho sự phát triển của nhân loại. Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc và là một nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam; biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người đã đóng góp về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Cuộc đời Hồ Chí Minh là một cuốn truyện chân thực của một biểu tượng về chân - thiện - mỹ, mà bất cứ người chân chính nào cũng thấy xúc động và mong muốn hoàn thiện mình như thế.
Hồ Chí Minh là người mẫu mực về việc nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói; ở chỗ tự giác dấn thân vào sự nghiệp cách mạng, suốt đời tự rèn luyện mình theo những tiêu chí đạo đức cách mạng trong mọi hoàn cảnh, trọn đời vì nước, vì dân, có nhân cách cao cả và trong sáng. Điều này là không thể phủ nhận! Thế nhưng, vẫn có những kẻ nhẫn tâm xuyên tạc phẩm chất, nhân cách cao đẹp của Người. Nói xấu Hồ Chí Minh là điều trái với sự thật, bởi cuộc đời Người như một chân lý của cái đẹp, cái tốt. Bởi vậy, ai đó có tâm xấu muốn đặt điều vu khống, nói xấu, “bôi đen” về phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh trên các phương tiện truyền thông, thậm chí viết cả sách, dựng cả phim cho việc này, đều gặp phải cái cảnh “ngược sáng” khi quy chiếu vào cuộc đời, phẩm chất đạo đức của Người và chẳng khác nào như những con bọ húc đầu vào núi. Với cái tâm đen tối của mình, những kẻ đó tìm mọi mưu ma chước quỷ để dựng chuyện bôi xấu, xuyên tạc theo nhiều cách rất tinh vi, thâm độc. Họ cắt ghép tài liệu, hình ảnh, dựng nên những nhân chứng giả để chứng minh cho điều họ viết, họ nói, tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, khiến người nghe hoang mang, nghi ngờ, v.v. Ví như câu chuyện có người cho rằng, không có chuyện UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh. Nhưng sự thật, Nghị quyết vẫn được lưu trữ trong kho của UNESCO và được đại diện UNESCO tại Việt Nam nhắc lại trong dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người. Một sự thật hiển nhiên vậy mà họ còn rắp tâm cố tình xuyên tạc, huống hồ ở đây là vấn đề nhân cách của Người. Họ lừa được ai? Họ chỉ lừa được những người cùng cảnh với họ và những người còn hạn chế về nhận thức.
Sự thật tự đã nói lên tất cả, bản chất vấn đề luôn là cái bất biến - nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh luôn trường tồn. Dù có bị xuyên tạc như thế nào đi chăng nữa thì nhân cách cao cả và sáng ngời của Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu với mọi người. Sự xuyên tạc, nếu có thu được, theo một số người tự cho là “thành công”, thì cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Những kẻ cố tình xuyên tạc, đi ngược lại với sự thật thì cũng chẳng khác nào dùng bàn tay mà che mặt trời vậy!
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân
_______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 187.
2 - Sđd, Tập 15, tr. 622.
3 - Sđd, Tập 7, tr. 50.
4 - Sđd, Tập 6, tr. 367.
5 - Sđd, Tập 4, tr. 187.
6 - Sđd, Tập 6, tr. 117.