Mỗi người chúng ta, sống và làm bất cứ nghề gì đều đòi hỏi phải có đạo đức. Đó gọi là đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp... Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng thì đòi hỏi phải có chuẩn mực đạo đức cao hơn, nghiêm khắc hơn, bởi vì sao?
Thứ nhất vì chúng ta hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ sự đóng góp của nhân dân. Nhân dân trả công cho chúng ta thì chúng ta phải cố gắng làm để phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Thứ hai là một giáo viên thì chúng ta càng phải gương mẫu hơn bất cứ ngành nghề nào, bởi vì giáo viên là tấm gương, là hình mẫu cho học sinh noi theo, là những người đào tạo nên tương lai cho đất nước. Nếu chúng ta không tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thì làm sao có thể dạy bảo người khác nên người. Bác Hồ đã nói: “ Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người cho rằng đạo đức là gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức của người cán bộ, công chức, viên chức được thể hiện qua những hành động cụ thể qua công việc hàng ngày. Đạo đức không phải là những giáo điều suông, mà nó thể hiện bằng hành động, lời nói phải đi đôi với việc làm, nêu gương làm việc tốt, khắc phục thói hư, tật xấu. Để làm được điều đó, cần có những quy tắc, chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức bắt buộc mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ.
Một là; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bác nhấn mạnh: “Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Đối với người cán bộ, nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì chẳng những không thực hiện được vai trò, trách nhiệm của mình mà còn làm hại đến nhân dân.
Hai là; có tinh thần trách nhiệm cao với công việc
Bác chỉ rõ: Bất cứ công việc nào được tổ chức giao cho người cán bộ cũng là cần thiết đối với cách mạng. Vì vậy, “Khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”.
Ba là; chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thực hiện công vụ
Kỷ luật là sức mạnh của tổ chức. Vì vậy, mỗi cán bộ, nhân viên khi thực hiện công vụ cần phải gương mẫu về đạo đức, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nề nếp công tác. Tuân thủ tốt kỷ luật sẽ tránh được những cám dỗ, bệnh quan liêu, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân…
Làm người cán bộ, đảng viên phải có tinh thần ham học hỏi, phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái, nghiên cứu sáng tạo trong công việc, như thế công việc mới linh hoạt, thông suốt, sức mạnh của tổ chức mới được nâng lên.
Bốn là; có ý chí rèn luyện, cầu tiến, luôn luôn phấn đấu trong công việc, không ngại khó khăn, gian khổ
Chúng ta phải luôn có chí tiến công, tinh thần cầu tiến vì Xã hội ngày càng phát triển nên đòi hỏi năng lực của ta, sáng kiến của ta cũng phải luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái, chính vì vậy; tinh thần cầu tiến, khiêm tốn, học tập không ngừng là một yêu cầu cao đối với mỗi chúng ta.
Năm là; phải có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc
Bác dạy, mọi người cần đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ như tay với chân thì công việc mới hoàn thành được. Thực hiện tinh thần thân ái, hợp tác theo Bác không phải là bao che khuyết điểm cho đồng chí, đồng nghiệp mà để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và đấu tranh, ngăn chặn những hành vi sai trái trong thi hành công vụ và trong cuộc sống.
Tóm lại; là một cán bộ, công chức, viên chức nói chung nếu chúng ta ai cũng tu dưỡng, rèn luyện được những đức tính trên theo lời dạy của Bác, đồng thời không ngừng trao dồi, học tập nâng cao trình độ thì thiết nghĩ cơ quan, đơn vị của chúng ta sẽ có được sự đoàn kết và phát triển vững mạnh góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.../.
(Bài viết có sử dụng tài liệu của đồng nghiệp)