Mỗi con người, từ khi còn là đứa trẻ biết bắt chước được người lớn dạy bảo những cách xử sự có văn hóa, lễ phép và nó thực hiện điều ấy khi thấy được chính những người dạy dỗ nó hành động đúng như những lời mà nó nghe, nó được chỉ dạy.
Lớn lên khi bước vào xã hội là môi trường rất dễ tác động vào quá trình hình thành nhân cách của con người. Một trong những nguyên nhân đã gây sức ảnh hưởng đó là: Cá nhân ấy không chỉ nghe mà còn tận mắt chứng kiến những việc làm, hành động của các mối quan hệ xã hội tác động lên ý thức của cá nhân đó tạo nên một niềm tin. Thế là cá nhân ấy làm theo vì tin đó là điều bình thường, là lẽ phải, là chân lý.
Một xí nghiệp, một cơ quan các công nhân, viên chức đều làm việc đúng giờ, nghiêm túc và giao tiếp ứng xử với nhau ôn hòa, nhã nhặn thì ắt hẳn rằng thủ trưởng của cơ quan, xí nghiệp ấy không thể là người có tác phong làm việc vô kỷ luật, thiếu văn hóa.
Mới thấy rằng, “nói đi đôi với làm” là tấm gương làm chổ dựa cho niềm tin mãnh liệt của mỗi con người trong cuộc sống, trong hoạt động xã hội. Và “nói đi đôi với làm” cũng là một trong những phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ con người Việt Nam học tập và làm theo.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc đời Hồ Chí Minh thực hành năm nội dung căn cốt nhất: Thực hành lý luận; thực hành dân chủ; thực hành dân vận; thực hành đại đoàn kết; thực hành đạo đức cách mạng và đạo đức làm người. Thực hành nghĩa là nói thống nhất với làm, chú trọng làm, nói ít làm nhiều. Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Hồ Chí Minh, là sự thể hiện tấm gương thực hành đạo đức của bản thân Người.
Như ta đều biết: Suy nghĩ gieo hành động, hành động tạo thói quen, thói quen hình thành tính cách. Sức lan tỏa và ảnh hưởng của những tính cách đẹp thể hiện được qua hành động lại tạo ra một niềm tin cho những suy nghĩ bắt đầu theo chu trình vòng tròn. Do vậy đối với công - viên chức, nhất là những Đảng viên, cán bộ lãnh đạo cần nhất mực phải tạo được niềm tin trong công chúng, phải gương mẫu trong việc “nói đi đôi với làm” làm tiền đề cho những suy nghĩ của các lớp thế hệ nối tiếp nhằm mục đích chung là phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc.
Theo như Bác quan niệm rằng: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...”; tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính, mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được..”.
Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm:
Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”.
Những năm Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, khi kinh tế khó khăn, mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Người đề nghị nhà bếp là: cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, nấu cơm độn cho Người từng ấy, giống như cán bộ, nhân dân.
Chính niềm tin tuyệt đối vào vị lãnh tụ đất nước đã cổ vũ, thôi thúc cho mỗi suy nghĩ của những con người Việt Nam dù nghèo đói, khó khăn nhưng ý chí và nghị lực phi thường cùng sự đồng lòng đã tạo nên kỳ tích trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tấm gương của Bác luôn là lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta hãy hành động thực tế hơn là chỉ nói cho hay “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyền truyền” Người đã giải thích lý luận bằng thực tiễn, bằng hành động, bằng việc làm, thấy làm đúng, làm phải, mọi người khắc làm theo.
Trích tài liệu: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Các câu chuyện về Bác “Sưu tầm”.