Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay Ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm cũng vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam (lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 20/11/1982). Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là Ngày Nhà giáo, nhằm mục đích đề cao ý nghĩa "tôn sư trọng đạo", tôn vinh những người hoạt động trong ngành này.
Ngày 20/11 năm nay đã gần kề. Cũng như mọi năm, thời điểm này những cụm từ về giáo dục, nhà trường và giáo viên bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cựu học sinh, sinh viên cũng bắt đầu nhắc nhớ đến những thầy/cô giáo cũ nhiều hơn…
Trải qua hơn 17 năm dạy học trong ngôi trường Văn hóa Nghệ thuật đã mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Mỗi năm một mức độ khác nhau nhưng những cảm xúc đó chưa bao giờ lắng xuống. Tôi nghĩ về nghề dạy học của tôi. Tôi cùng những đồng nghiệp của tôi đã và đang giống như những cỗ xe lửa cứ miệt mài năm này tháng nọ đưa những học trò của mình đi suốt hành trình dài một năm, hai năm, ba năm…tùy lớp, tùy ngành, cho đến khi họ đến được nơi họ cần đến. Nơi họ đến là nơi cánh cửa giảng đường tạm thời khép lại, cánh cửa đời rộng lớn mở ra, đón họ bước vào, đi trên con đường nghề nghiệp đã “nên duyên” với họ…
Hơn 17 năm chưa phải là đã trọn vẹn thời gian làm nghề cho đến chót. Nhưng cũng đủ tư liệu thực tế để viết nên một Nhật ký giáo viên dài, có vui có buồn, có nụ cười và đôi khi là những giọt nước mắt! Nụ cười thì dễ hiểu lắm, nhiều lắm! Những thầy giáo, cô giáo thường cười hân hoan khi học trò mình thành công với nghề, cười hạnh phúc khi được học trò tin cậy chia sẻ niềm vui riêng tư, hoặc có khi đơn giản chỉ là mỉm cười hài lòng khi ngắm nhìn “ lũ con nuôi” của mình đang dần thay đổi, trưởng thành theo năm tháng…
Nhưng còn những giọt nước mắt? Ừ thì ngành nghề nào cũng vậy thôi, đâu phải cứ toàn hoa hồng và thảm đỏ… Nhưng những giọt nước mắt của người làm nghề dạy học hầu như chưa bao giờ rơi xuống vì bản thân mình, những giọt nước mắt ấy chỉ rơi xuống thầm lặng nhưng đầy xót xa khi một ngày đi trên phố tình cờ bắt gặp hình dáng quen thuộc của đứa học trò mình đã từng dạy học năm nào… đang lom khom bưng bát dọn bàn trong quán bún vỉa hè, hay vô tình gặp học trò cũ đang vụng về phân loại sản phẩm hàng hóa trong một siêu thị nào đó…Ngược lại cũng có những giọt nước mắt long lanh hạnh phúc khi biết tin trong số học trò cũ của mình có những em vừa trở thành nhà giáo, đồng nghiệp với mình…Giọt nước mắt nhà giáo hôm nay cũng có thể rơi khi đang suy nghĩ miên man, chạnh nhớ về một nhà giáo khác: một Thầy giáo hoặc một cô giáo thuở xa xưa…đã từng yêu thương và quan tâm chăm sóc đặc biệt cho mình trong một tình cảm độ lượng và quan tâm vô điều kiện!
Tôi nhớ cô, một cô giáo “ngày xưa còn trẻ lắm” – cô P. là giáo viên dạy môn Sinh và cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 6A2 trường PTCS A.H năm 1982. Cô P. rất thương học trò, quan tâm từng đứa trong cái lớp “ học giỏi mà quậy nhất trường” thuở ấy, nhưng tôi là đứa được cô đặc biệt chú ý hơn cả, bởi đứa con gái da ngăm đen tóc tổ quạ là tôi hồi đó trong một lần lang thang đi “thám hiểm thế giới” đã vô tình giẫm phải thứ hóa chất kỳ lạ gì đó của quân đội chế độ trước bỏ lại (nhà tôi ở khi ấy thuộc “khu gia binh” cũ được tiếp quản sử dụng sau giải phóng), hậu quả là bàn tay và bàn chân tôi bị lở loét nghiêm trọng, một thời gian dài khoảng nửa năm trước khi tìm được thuốc chữa hiệu quả (anh trai của tôi gửi về từ nước Nga – Liên xô cũ) tôi đã không thể đến trường, bỏ dở việc học nếu như không có sự chăm lo giúp đỡ tận tình xuất phát từ tình cảm thương mến của cô…
Tôi cũng nhớ cô V. dạy Văn – một giáo viên tiểu học xuất sắc, người kể truyện thiên tài và là một nhà tâm lý học tuyệt vời trước khi là một nhà giáo, người đã truyền cho tôi tình yêu văn học từ những ngày còn bé dại…Tôi nhớ cô H. giáo viên dạy tiếng Nga cho lớp học của tôi ở trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai năm 1987, là một nhà giáo “luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu”, cô đã giúp tôi vượt qua rào cản tự ti về khả năng học ngoại ngữ của mình, làm quen và “không quá sợ hãi” tiếng Nga…
Và còn nhiều thầy, cô quý mến nữa…
Giờ đây, vài thập kỷ đã trôi qua, tóc tôi đã có nhiều sợi bạc, tôi đã phải dùng kính thuốc để đọc sách…nhưng trong tâm trí tôi chưa bao giờ phai nhạt hình ảnh những giáo viên đáng kính ấy của tôi.
Nghĩ cũng lạ, gần 20 năm về trước nếu những người bạn hoặc người nhà có ai hỏi tôi là tôi có thích nghề dạy học hay không, tôi đã thẳng thừng trả lời rằng “không bao giờ tôi chọn làm nhà giáo”, và rằng “tôi ghét sư phạm”! Vậy mà bây giờ, khi tôi bận học, tạm thời không có lịch lên lớp, tôi cảm thấy “buồn như chấu cắn”!, tôi nhớ các học trò của tôi, ngoan hiền có, quậy quạng có…tôi thèm đi dạy, tôi muốn vào lớp với “lũ con nuôi” của mình, mắng mỏ và cười đùa cùng bọn trẻ…
Học trò của tôi chắc là cũng như học trò của bao bạn đồng nghiệp khác, có đứa dễ bảo, lễ phép và “vô hại”, có đứa ngổ ngáo, lập dị, “gai góc”, có đứa luôn biết ơn và giữ lễ nghĩa, gọi điện thăm hỏi chúc tụng mình mỗi năm, có những đứa lại thờ ơ vô tâm, thậm chí là vô ơn, ra trường lấy được tấm bằng tốt nghiệp rồi thì biệt vô âm tín không chút hỏi han trường xưa thầy cũ… Nhưng khi nhớ, tôi nhớ tất cả, bởi tôi hiểu môi trường học đường cũng giống như một bức tranh xã hội thu nhỏ: có những mảng màu sáng và tối, có điểm nhấn sắc sảo và cũng có cả những vệt lem, nhòe…Nếu không như vậy, sao gọi là cuộc sống?
Năm nay thêm một mùa kỷ niệm ngày Nhà Giáo, ở độ tuổi gần 50 nhưng trong những suy niệm của tôi, tôi vẫn thấy mình là một cô học trò bé bỏng khờ dại năm nào…vẫn nhớ về những Cô, Thầy thuở ấy…
Và thầm mong nghề chẳng phụ mình!