Bài học từ câu chuyện hút thuốc lá của Bác

Thứ hai - 03/12/2018 02:38
       Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cả cuộc đời lo việc nước, việc dân, Người sống rất gương mẫu, là tấm gương sáng về lối sống giản dị, tiết kiệm. Địa vị càng cao, Người càng giản dị, trong sạch hơn, suốt đời “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức”. Cuộc đời Người từ một phụ bếp trên tàu, một thợ ảnh ở ngõ hẻm Côngpoanh đến khi trở thành Chủ tịch nước vẫn luôn là những tháng ngày thanh bạch, tiết kiệm, giản dị và tao nhã. Không những thế, trong công việc và trong thói quen của cuộc sống đời thường Người còn là một con người có quyết tâm lớn, có phương pháp và tính kiên trì đáng nể phục. Câu chuyện về thói quen hút thuốc và quyết tâm bỏ thuốc lá của Bác là một trong những minh chứng hùng hồn về sự quyết tâm, kiên trì, vững vàng của một con người vĩ đại.
 

       Theo đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh hút thuốc lá rất nhiều. Việc hút thuốc lá liên quan tới hoạt động cách mạng của Người trong những năm 20 của thế kỷ XX khi Người mang tên Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Vũ Kỳ đã được Bác Hồ tâm sự: Những năm ở Pháp, Người là một thanh niên kháng Pháp nên luôn bị mật thám Pháp theo dõi ở khắp mọi nơi. Người biết bị theo dõi mà không dám quay đầu lại để nhìn. Để có thể quan sát được sự theo dõi, Người nghĩ ra cách hút thuốc. Mỗi lần như vậy, đi qua thùng đựng rác ven đường cách khoảng ba bước chân, Người dừng lại châm thuốc hút, rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm, như vậy là Người có dịp quan sát xung quanh, liệu cách đối phó với kẻ theo dõi. Do giả vờ hút thuốc mãi mà đã trở thành thói quen của Người.

        Năm 1957, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày cách mạng tháng Mười Nga thành công, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã sản xuất loại thuốc lá có đầu lọc để biếu các đại biểu dự đại hội. Đây là loại thuốc mà Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng. Loại thuốc có đầu lọc này nhẹ và ngon hơn loại thuốc của Mỹ và Pháp sản xuất vốn nặng và thường pha thuốc phiện. Các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đã biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh hộp thuốc lá này, có lẽ vì cũng biết Người thích hút loại đó. Khi hết thuốc, đồng chí Vũ Kỳ đã giữ lại chiếc hộp để đựng các loại thuốc lá khác cho Người hút vì hộp rất vừa và thuận tiện để bỏ túi.

         Năm 1967, sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yếu nhiều, Người hay mệt và ho. Lo cho sức khoẻ của Người, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các bác sĩ phải chăm sóc Người thật tận tình, chu đáo. Các bác sĩ đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không hút thuốc lá nữa. Người nói với đồng chí Vũ Kỳ rằng: "Các bác sĩ bảo Bác không hút thuốc lá nữa thì chú thấy thế nào?". Đồng chí Vũ Kỳ trả lời: "Các bác sĩ lo cho sức khoẻ của Bác là điều tốt, tôi tán thành". Người lại nói: "Mình đã hút thuốc gần 50 năm, bỏ cũng được, nhưng bỏ thì vẫn ho chứ không phải là hết ho" và Người kể cho đồng chí Vũ Kỳ nghe một câu chuyện cười của Pháp là "bỏ thuốc rất dễ, có người bỏ hút thuốc 50 lần nhưng vẫn hút lại, tức là sau mỗi lần bỏ dễ bị hút lại. Nhưng bác sĩ yêu cầu thì nên thôi, chú quản cho Bác". Từ đó đồng chí Vũ Kỳ bỏ hộp thuốc vào túi, thỉnh thoảng đưa cho Người hút một điếu.

         Việc bỏ thuốc lá của Hồ Chủ tịch không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình như khi làm bất cứ một việc gì. Đó là phải đặt ra kế hoạch, có quyết tâm và biện pháp thực hiện. Người nói: "Quyết tâm một, kế hoạch mười, thì biện pháp phải hai mươi, có như vậy mới thực hiện được và bỏ hút thuốc cũng vậy".

          Tuần thứ nhất, mỗi lần Người hút 2/3 điếu (một ngày nhiều nhất là 10 điếu), mỗi lần hút xong cho vào lọ penixilin thì tắt luôn để nhìn thấy đúng 2/3 thì dừng lại không được hút nữa.

          Tuần thứ hai, Người hút 1/2 điếu rồi bỏ vào lọ.
          Tuần thứ ba, Người hút 1/3 điếu rồi bỏ vào lọ.
          Đến tuần thứ tư, Người hút mấy hơi rồi bỏ vào lọ.

       Theo lời kể của bác sĩ Lê Văn Mẫn (bác sĩ chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1967 đến năm 1969), hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Người thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Người có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Người nói: Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này. Rồi Người tự đề ra chương trình bỏ thuốc lá dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Người làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi Người đã cao mà phải làm như vậy thật quá vất vả. Việc tập một thói quen, rồi bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Người bảo đồng chí giúp việc để cho Người một vỏ lọ Penixillin ở nơi làm việc và ở phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Người dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Người bảo: "Nhưng hút thế để có cữ". Với cách làm đó Người đã giảm từ cả bao xuống ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Người hút thưa dần.

          Đầu tháng 3-1968 nhân khi bị cảm ho nhẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự quyết định bỏ hẳn thuốc lá. Mấy ngày sau, anh em phục vụ vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Người suốt một tuần liền nhưng Người không dùng. Trong một tuần thấy Người quyết tâm như vậy anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người nói: "Bác đã bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá". Sau này Người đã làm bài thơ Vô đề về việc Người bỏ thuốc lá như sau:
"Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa xuân".
 
         Qua câu chuyện này, chúng ta rút ra được một bài học về đức tính kiên trì của Bác. Dù bỏ thuốc lá không dễ, nhưng bằng Lòng kiên trì, Bác đã bỏ thuốc lá bằng nghị lực và quyết tâm chứ không có một loại thuốc trợ giúp nào. Từ đó, trong cuộc sống, công việc, học tập -  khi thực hiện bất cứ việc gì, chúng ta cần thiết phải có một nghị lực, quyết tâm cao thực hiện kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu, cần phải có lộ trình, kế hoạch thực hiện rõ ràng thì mới đạt được kết quả tốt nhất. Cũng giống như việc hút thuốc lá cũng vậy, hút thuốc lá có hại cho sức khỏe điều này chắc hẳn ai cũng biết nhưng chưa hẳn ai cũng có thế từ bỏ thói quen này. Thói quen ban đầu chỉ là những hành động lặp đi lặp lại liên tục theo thời gian nó trở thành một phần trong con người cho nên để từ bỏ một thói quen xấu đã ăn sâu vào bản tính của chúng ta là một việc không phải dễ, nếu thiếu ý chí và phương pháp sẽ thất bại. Và để hình thành thói quen hữu ích trong công việc chúng ta cần xác định và kiên trì cùng nhau thực hiện một số thói quen sau:


- Việc hôm nay chớ để ngày mai. Tùy theo tính chất quan trọng, mức độ phức tạp của công việc mà tập cho mình một thói quen hoàn thành tốt công việc của ngày hôm nay và không bao giờ để tồn đọng công việc.
- Dẹp bỏ mọi giấy tờ vô dụng trên bàn làm việc của mình và dọn dẹp bàn ghế sạch sẽ xếp gọn giấy tờ ngăn nắp trước khi ra về.
- Lắng nghe ý kiến của mọi người và thành thật nhận lỗi.  

         Bên cạnh đó, cần đề ra một số biện pháp và nguyên tắc để  bắt tay cùng hành động hình thành những thói quen tốt và quyết tâm loại bỏ những thói xấu đã được xác định.
          Đất nước ta, dân tộc ta thật hạnh phúc khi có một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã để lại cho muôn đời sau một tấm gương đạo đức mà mỗi khi ta soi vào đấy là thấy tâm hồn ta trong sáng hơn, hành vi của ta tốt đẹp hơn và con người của ta như được nâng cao hơn. Bởi vì tấm gương của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất đỗi bình dị, rất đỗi đời thường mà bất kỳ ai, bất kỳ một cơ quan, một đơn vị nào cũng đều có thể học tập và noi theo để tự hoàn thiện mình.

Tác giả: Cát Hân - sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi