Thấm thoát mười tám năm đã trôi qua từ ngày thành lập Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ tháng 7 năm 1995, Khoa Âm nhạc và Múa được khai sinh trong thời gian đấy. Thuở ban đầu với 4 giáo viên – 2 chuyên ngành học. Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Giám Hiệu nhà trường, khoa Âm nhạc và Múa đã có những bước trưởng thành với 20 giáo viên chuyên môn, 11 chuyên ngành đào tạo: Sư phạm Âm nhạc; Sáng tác âm nhạc; Nhạc cụ Dân tộc (Tranh, Bầu, Kìm, Sáo, Nhị…); Nhạc cụ Phương tây (Keyboard, Guitar, Piano…); Diễn viên múa; Biên đạo múa, với lưu lượng gần 200 học sinh theo học mỗi năm.
Tích tắc, tích tắc thời gian thấm thoát thoi đưa, năm học mới đến rồi lại mau chóng kết thúc, tiếng ve báo hiệu mùa hè rồi lại thoăn thoát qua đi. Mới ngày nào học sinh khóa 1, khóa 2 còn tung tăng dưới sân trường, mà hôm nay các em học sinh khóa 13 đã say sưa trong giờ học. Chúng tôi những người giáo viên cảm thấy vẫn chưa đóng góp gì được nhiều cho sự nghiệp giáo dục nghệ thuật, nhưng niềm vui duy nhất là năm học sau có nhiều đồng nghiệp hơn năm trước. Sự trưởng thành của các em học sinh Sư phạm Âm nhạc là trở thành giáo viên giảng dạy âm nhạc các trường tiểu học: Trần Quốc Toản, Ngô Quyền, Võ Trường Toản, Bình Thủy, Thới Lai , một số trường tiểu học Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh…Các em học sinh chuyên ngành Âm nhạc và Múa giờ trở thành cán bộ văn hóa tại các Trung tâm văn hóa Quận, Huyện, Thành phố, diễn viên các đoàn nghệ thuật tổng hợp Hậu Giang, đoàn ca múa Lưu Hữu Phước, đoàn nghệ thuật Quân khu 9, đoàn ca múa An Giang…Văn bằng các chuyên ngành hệ trung cấp là nền tảng để các em học tiếp bậc đại học, cao học, trở thành giáo viên Nghệ thuật như Thanh Liêm, Thanh Hoàng, Đình Huấn, Thiên Phương và cũng là đồng nghiệp giảng dạy cùng Khoa, cùng Trường.
Thầy cô nguyện là người lái đò đưa các em sang sông cập bến đi tìm bước đường công danh, sự nghiệp. Để có một học sinh Tất Thành là Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Thủy; Trần Hoàng Nghiệp diễn viên đoàn Quân khu 9 giải khán giả yêu thích nhất Sao mai điểm hẹn năm 2008; Chiết Tính giải nhất tiếng hát phù sa, giải 3 tiếng hát phát thanh truyền hình Kiên Giang là học sinh tạo nguồn Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ; Văn Nhiên giải nhì sáng tác ca khúc Vĩnh Long (không có giải nhất); Đông Dương giải nhất tiếng hát phát thanh truyền hình Vĩnh Long năm 2008…Những kết quả trên là cả một quá trình nghiêm túc học tập và miệt mài lao động vì nghệ thuật của các em. Quên sao được một cử chỉ đẹp qua lời giới thiệu tiết mục biểu diễn của Hoàng Nghiệp đêm giao lưu với 17 trường nghệ thuật trên toàn quốc năm 2013 “Em là cựu học sinh trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ…” chỉ với câu nói ngắn gọn ấy thôi đã để lại cho chúng tôi niềm vui nho nhỏ và chợt suy nghĩ “À! Sự nghiệp trồng người của thầy cô ít nhiều đã có ngày đơm bông, kết trái”.
Hoạt động giáo dục nghệ thuật của thầy - trò khoa Âm nhạc và Múa là thực hiện tốt các kế hoạch hoạt động của Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Khoa tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi nghề nhiều năm liền và đạt được các giải thưởng cao: 1 giải nhất cấp trường; 2 giải nhì và 1 giải ba cấp thành phố; 1 giải khuyết khích cấp quốc gia. Ngoài hoạt động dạy và học, Khoa còn tham gia dàn dựng và biểu diễn nhiều tiết mục, chương trình nghệ thuật liên hoan, hội thi, hội diễn cấp thành phố, toàn quốc và phục vụ các ngày lễ, lễ hội với các thành tích đáng ghi nhận: 7 tiết mục giải bạc “Được mùa; Câu cá, Sau cơn mưa, Chúc xuân, Nhớ Cần Thơ, Cần Thơ một khúc ca, Khúc ngẫu hứng”, giải ban nhạc xuất sắc nhất, giải nhì toàn đoàn tiếng hát học sinh sinh viên toàn quốc năm 2006.
Để có được một chút thành công trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và hoạt động nghệ thuật, khoa Âm nhạc và Múa Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ luôn trân trọng sự kết hợp, đóng góp tận tình của quý thầy cô: Cố nghệ sĩ nhân dân Lê Đóa, nghệ sĩ ưu tú Lê Thanh Hùng, giảng viên Dương Kim Dũng, nhạc sĩ Lê Nghiệp, nhạc sĩ Ngô Đắc Lợi, nhạc sĩ Mai Ngọc Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Dũng, nhạc sĩ Võ Thế Nam, ca sĩ Trần Minh Bé … cùng giáo viên Khoa Âm nhạc và Múa đã hết mình vì sự nghiệp giáo dục nghệ thuật. Đối với học sinh họ vừa là người thầy, người bạn, người đồng nghiệp. Trong công tác giảng dạy, họ nghiên cứu tìm mọi phương pháp tiếp cận học sinh, trao đổi kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, để chuẩn bị cho học sinh có những kiến thức cơ bản nhất, bước vào sự nghiệp cuộc đời. Đặc biệt là sự quan tâm đúng lúc, kịp thời của Ban Giám Hiệu nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc dạy - học và hoạt động nghệ thuật của Khoa Âm nhạc và Múa.
Những kỷ niệm tình thầy trò trên bục giảng, trên sân khấu, trên đường đời thì cần cả một cuốn hồi ký, một cuồn băng dài vô tận để ghi lại, nhưng chắc chắn một điều họ luôn có những sợi dây vô hình gắn kết nhau trên suốt chặng đường học nghề, làm nghề. May mắn thay cuộc đời của tôi đã được gắn liền với hoạt động nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật. Xin cảm ơn những người thầy, người bạn, người đồng nghiệp cùng các em học sinh thân yêu đã để lại cho tôi bao kỷ niệm đẹp.