Cần bảo tồn tính đại chúng của đờn ca tài tử

Thứ năm - 10/09/2015 12:51

23

23
Từ phương diện lịch sử hình thành và phát triển, nghệ thuật đờn ca tài tử mang tính chất dân gian, đại chúng. Đặc điểm nầy đã được các nhà nghiên cứu khẳng định, những người tham gia diễn xướng đờn ca tài tử xác nhận cho nên chúng tôi không phân tích sâu ở đây, chỉ xin nêu một vài số liệu để chứng minh cho luận điểm trên. Theo số liệu công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2011 có hơn 29.000 người đang sinh hoạt Đờn ca tài tử tại 21 tỉnh/thành ở miền Nam.
Theo số liệu điều tra năm 2010, thành phố Cần Thơ có khoảng 170 câu lạc bộ, ban, nhóm với tổng số người biết đờn và hát đờn ca tài tử đến thời điểm điều tra là 1.017 người. [ 1 ] Tính chất đại chúng mà chúng tôi quan niệm thể hiện ở lực lượng tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật nầy thu hút nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi đến với nó. Và “tài năng” đờn, ca không đồng đều do vậy tính đại chúng gắn với tính dân gian. Người ta chấp nhận “hát hay không bằng hay hát”, bởi trên thực tế muốn đạt được ngón đờn điêu luyện, muốn hát hay không phải là đơn giản. Nói cách khác, trong cộng đồng, đờn ca tài tử từng tồn tại như một loại nghệ thuật không chuyên trước khi nó được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp. Người ta chơi đờn ca tài tử trên ghe giữa những người bạn thương hồ, hoặc trong một chòi lá ngoài vườn giữa những người bạn cùng tiệc rượu cho đến những dịp trang trọng hơn là trong các đám tiệc…Tuy người tổ chức có chủ định trước (mời nhạc công) nhưng phần lớn người tham gia thì ngẫu hứng. Người thì hát nhiều bài nhưng cũng có người chỉ hát một, hai “bài ruột”.

2.Các nhà chuyên môn đã đề cập đến một giải pháp với nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử như: đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu; xuất bản sách, tạp chí, băng đĩa cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu; thúc đẩy công tác truyền dạy; xây dựng chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, người truyền dạy, học viên theo học đờn ca tài tử; hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm…Các biện pháp đồng bộ nầy đạt được kết quả như mong muốn hay không, có lẽ chúng ta cần thêm thời gian để hành động và kiểm nghiệm.
Trên tinh thần tìm giải pháp bảo tồn, chúng tôi xin nêu một ý kiến mang tính chủ quan, đó là, việc bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử trước hết cần duy trì tính chất đại chúng, nghĩa là giữ gìn hình thức không chuyên của nó. Bởi vì, hình thức sinh hoạt không chuyên nghiệp, đại trà sẽ là nguồn cung cấp nhân lực cho hình thức chuyên nghiệp. Cho nên, bên cạnh những câu lạc bộ mang tính qui củ ở thành thị, cần đặc biệt quan tâm tập hợp những người biết đờn, hát ở nông thôn nhất là vùng sâu bằng những hình thức đơn giản. Bởi vì nếu không có những hình thức thật đơn giản thì một số người yêu  thích đờn ca tài tử sẽ bị loại ra khỏi các tổ chức do không đáp ứng được các tiêu chí của những tổ chức nầy.
Vấn đề đã từng được đặt ra là, ngày nay tại các cuộc sinh hoạt tập thể (hiểu theo nghĩa là có nhiều người chứ không phải là sinh hoạt có tổ chức quản lý), tại các đám tiệc…người ta ngày càng ít chơi đờn ca tài tử. Chúng ta hãy hình dung một quy trình đang diễn ra theo hai hướng: một là, nghệ thuật đờn ca tài tử ngày càng được phổ biến trên sân khấu chuyên nghiệp và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng; hai là, chính quá trình nầy khiến cho hình thức sinh hoạt đờn ca tài tử không chuyên bị thu hẹp dần do không thể sánh được về chất lượng biểu diễn, qui mô so với hình thức chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải là không có biện pháp khắc phục. Một đặc điểm quan trọng của nghệ thuật biểu diễn không chuyên là, người biểu diễn trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của chính mình chứ không đặt nặng mục tiêu phục vụ khán thính giả (hơn nữa, vài người ca hát với nhau thì họ vừa là nghệ sĩ vừa là người thưởng thức). Như vậy, các biện pháp đồng bộ với định hướng “thắp sáng” lên niềm đam mê có thể duy trì và phát triển phong trào đờn ca tài tử tại xã, phường mà đặc biệt là vùng nông thôn.Trước tiên, chính quyền địa phương cần ủng hộ, khuyến khích các dạng ca hát nhạc tài tử tại gia đình (trong đám tiệc), tại thôn xóm, chấp nhận, cổ vũ hình thức truyền nghề truyền thống kiểu “cầm tay chỉ việc” 
3.Có ý kiến (đã dẫn ở trên) cho rằng, để gìn giữ được những nét đẹp vốn có của đờn ca tài tử trong đời sống hiện đại, cần có chính sách phù hợp để đào tạo đội ngũ kế thừa, những người toàn tâm toàn ý với nghề. Theo chúng tôi, đây là ý kiến đáng được tham khảo.
 
Tài liệu tham khảo
 
1.Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
2.Sở VH,TT&DL, Dự án “Điều tra khảo sát văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử nam bộ”, năm 2010.

Tác giả: Trần Văn Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi