TÍNH CHẤT ĐIỂN HÌNH CỦA NHÂN VẬT BÊ-LI-CỐP TRONG TRUYỆN NGẮN "NGƯỜI TRONG BAO" CỦA A.P.SÊ-KHỐP

Thứ năm - 09/04/2020 05:51
        Truyện ngắn Người trong bao được viết năm 1898, trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen. Lúc này, xã hội Nga đang thở trong bầu không khí chuyên chế bảo thủ nặng nề. Để kéo dài những ngày tàn, chính quyền Nga Hoàng đã ban hành nhiều chính sách cực kì phản động. Ngày 1/3/1881, Aleksandr II bị ám sát nhưng cuộc khởi nghĩa không nổ ra do lực lượng còn non yếu. Nga hoàng Aleksandr III lên ngôi (1881 – 1894) đã thực hiện chiến dịch khủng bố khốc liệt. Chế độ nhà tù, cảnh sát được tăng cường, những tư tưởng mới bị bóp nghẹt, báo chí tiến bộ bị ngăn cấm, giáo dục đại học bị hạn chế… Hơn mười năm đen tối của chế độ khủng bố, xã hội Nga như một nhà tù u ám, ngột ngạt đến khủng khiếp. Cuộc sống ngưng đọng trong khuôn khổ chật hẹp tù túng đã tạo nên tâm lí nô lệ, bảo thủ, bạc nhược, tự ti, con người sống ích kỉ, háo danh, phù phiếm, lẩn tránh cuộc đời. Những tư tưởng thịnh hành thời đó khuyên người ta “không dùng bạo lực chống lại điều ác”, chỉ nên làm những “việc nhỏ”. Cái không khí ngột ngạt đó đã được Sê-khốp tái hiện tài tình qua một kiệt tác “Phòng số 6″. Khi đọc truyện này, Lê-nin có cảm tưởng: “Buổi tối hôm qua, đọc hết tôi thấy khiếp hãi. Tôi không thể ngồi một mình mà đi ra ngoài. Tôi có cảm giác hệt mình bị giam trong phòng số 6”. Song, cũng trong thời kì đó, nhất là từ đầu những năm 90 của thế kỷ XIX, những lực lượng, tư tưởng tiến bộ và cách mạng vẫn không ngừng phát triển ở nước Nga. Nước Nga đang trông ngóng, hi vọng “Bình minh của cuộc sống mới sẽ rạng lên” (Phòng số 6). Đó cũng là những vấn đề mang tính xã hội phổ biến và cũng là đề tài trở đi trở lại nhưng không cũ ở hàng trăm truyện ngắn Sê-khốp, trong đó có Người trong bao.
        Thầy giáo Bê-li-cốp, nhân vật chính trong truyện ngắn Người trong bao của A.Sê-khốp, là một nhân vật điển hình của xã hội ấy. Tính chất điển hình ấy không chỉ thể hiện trong tính cách mà còn trong cả những thói quen và hình dáng. Chính môi trường xã hội bảo thủ nặng nề đã đẻ ra những thứ sản phẩm người “quái thai”, “kì dị” rất đáng phê phán và loại bỏ. Hình tượng Bê-li-cốp - “Người trong bao” là một phát hiện nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của nhà văn. Sê-khốp vừa miêu tả chân dung thói quen sinh hoạt của nhân vật, vừa sử dụng lời đối thoại trực tiếp của nhân vật đi kèm với lời người kể chuyện tạo cho người đọc có cái nhìn toàn diện về nhân vật. Câu chuyện cười ra nước mắt về cuộc đời một con người mắc chứng bệnh sợ hãi, sống, chết đều thảm hại... không chỉ phản ánh thực trạng xã hội mà còn có ý nghĩa triết lí sâu sắc tiếp nối chủ đề “con người thừa” trong văn học Nga suốt thế kỉ XIX. Nguyễn Tuân từng ca ngợi: “Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh: hình thù, tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày nay vẫn còn tác dụng lớn”. Truyện có một cốt truyện lồng: truyện của thầy giáo Bu-rơ-kin kể về thầy giáo Bê-li-cốp được lồng trong câu chuyện của nhà văn. Nhà văn giới thiệu với chúng ta hai nhân vật: Bác sĩ I-van I-va-nứt và thầy giáo Bu-rơ-kin đi săn về quá muộn, đành phải ngủ lại tại nhà kho của ông trưởng xóm ở cuối làng Mi-rô-nô-xít-xkôi-ê. Vì nóng nực, không ngủ được, hai người kể cho nhau nghe hết chuyện này sang chuyện khác. Và, thầy giáo Bu-rơ-kin đã kể cho bác sĩ I-van I-va-nứt nghe chuyện về thầy giáo Bê-li-cốp, người dạy cùng trường, ở cùng căn hộ và hai phòng ở đối diện nhau.
         Chân dung của Bê-li-cốp, giáo viên trung học dạy tiếng Hi Lạp cổ qua góc nhìn của người kể chuyện Bu-rơ-kin là bức chân dung dị thường. Bắt đầu từ việc miêu tả ngoại hình và những thói quen. Bất kì lúc nào, dù ngày mưa gió hay cả những ngày đẹp trời Bê-li-cốp (người kể chuyện gọi là “hắn”) đều “đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô cốt bông”. Một con người bảo thủ điển hình. Hắn bao bọc mình bởi những lớp quần áo dày và mũ kín mít như bị cầm tù. Cứ như thể hắn sợ có một hạt bụi nào dính vào thân thể hắn vậy. “Hội chứng” chui vào bao còn lây lan sang cả những vật bất li thân của hắn: Chiếc ô, đồng hồ quả quýt, con dao nhỏ để gọt bút chì... tất cả đều đút trong bao. Ngồi xe ngựa, hắn bắt phải hạ mui xe. Tệ hại hơn, cả “bộ mặt hắn ta nữa dường như cũng để trong bao vì lúc nào hắn cũng giấu mặt trong chiếc áo bành tô bẻ đứng lên”. Mọi ý nghĩ, hắn “cũng giấu vào bao”, và cái “con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài”. Hắn sống vì quá khứ, như một kẻ mang bệnh tâm thần, lúc nào cũng sống trong tâm trạng “sợ hãi”, “lo âu”, “nhút nhát”. Hắn chỉ có một chút niềm vui do bệnh nghề nghiệp sinh ra. Hắn nói “ngọt ngào”: “Ồ, tiếng Hi Lạp nghe thật tuyệt vời, êm tai”, rồi “nheo mắt lại”, giơ một ngón tay lên và thốt ra tiếng: “Anthrópos!”. Phải chăng lúc đó gã Bê-li-cốp hạnh phúc nhất. Chắc lúc ấy hắn đã thò đầu ra khỏi cái bao trong khoảnh khắc?! Nỗi sợ hãi thường trực “nhỡ lại xảy ra chuyện gì” cũng là một cái bao vô hình khiến Bê-li-cốp không dám vượt qua một giới hạn nào. Con người ở đây dường như đã đánh mất cảm giác mạnh mẽ của chủ thể, luôn thừa nhận, tuân theo một khuôn khổ có sẵn, cái khuôn khổ loại trừ tận gốc rễ bất kì mầm mống nào của hành động và suy nghĩ tự do. Giấu mình trong bao chưa đủ hắn còn giấu cái bao ấy trong một cái hộp. Bằng chứng là quang cảnh căn buồng ngủ của hắn. Với sự miêu tả tỉ mỉ, sự quan sát tinh tường và nhạy cảm của các giác quan, nhà văn đã tái hiện lại căn buồng chật như chiếc hộp của Bê-li-cốp với đủ thứ âm thanh nghe rùng rợn. Sự ngột ngạt của căn buồng phải chăng cũng là sự ngột ngạt của cả xã hội Nga lúc bấy giờ? Và căn buồng đóng kín của Bê-li-cốp vô hình trung cũng là một điển hình của xã hội ấy? Trong xã hội ấy, với những con người điển hình như Bê-li-cốp, mọi người cũng chịu ảnh hưởng của họ. Hay nói cho đúng hơn họ không dám chống lại hoặc không thể chống lại sự ảnh hưởng đó. Vì sao? Một câu hỏi quả là khó trả lời trong thời điểm ấy. Đúng như Bê-ê-lin-xki cho rằng: “Tính điển hình là một trong những dấu hiệu của tính mới mẻ trong sáng tạo, hay nói đúng hơn là bản thân sức sáng tạo. Nếu có thể thì cũng nói rằng tính điển hình là huy chương của nhà văn. Điển hình là người lạ đã quen biết”.
             Hắn có một thói quen “kì quặc”. Hắn thường đến các nhà giáo viên, như hắn nói đến để “duy trì những mối quan hệ tốt với bạn đồng nghiệp”. Nhưng hắn đến mà “chẳng nói chẳng rằng”, cứ “ngồi im như phỗng”, mắt thì nhìn quanh “như tìm kiếm vật gì”, độ một giờ sau thì cáo từ. Tính hắn hâm hay hắn là một mật vụ lân la dò xét? Vì thế, giáo viên nào trong trường cũng sợ hắn. Cả hiệu trưởng, oai quyền thế cũng sợ hắn. Cả thành phố đều sợ hắn. Các bà, các cô không dám diễn kịch vào tối thứ bảy tại nhà vì sợ rằng “nhỡ hắn biết thì lại phiền”. Giới tu hành không dám ăn thịt và đánh bài khi có mặt hắn. Bê-li-cốp như một bóng ma, một hung thần gieo rắc sợ hãi, làm cho dân chúng trong thành phố suốt một thời gian dài hơn mười năm trời “sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ...”. Hắn lo sợ, nhưng hắn cũng muốn cả thành phố  phải sợ những chỉ thị, thông tư, những điều cấm kị. Hắn cứng nhắc và gàn dở cho rằng: “Nếu không có chỉ thị nào cho phép thì ta không được làm”. “Bê-li-cốp, người mang áo bao, là một kẻ giả nhân giả nghĩa, một anh đạo đức giả đã nghĩ một cách kì cục là định đem ấn cả cuộc sống phong phú muôn ngàn người vào một cái áo bao. Bệnh chủ quan, bệnh sợ thực tế sinh động, bệnh sợ cái mới, sợ cái tiến triển đã làm cho Bê-li-cốp dệt ra một cái áo bao. Rồi tình cảm, tính tình và cả cuộc đời Bê-li-cốp, Bê-li-cốp đều cho vào áo bao. Từ ngày lắp mình vào áo bao, để áo bao đỡ che cho mình khỏi bị những gió máy cuộc sống bên ngoài thổi tới, Bê-li-cốp càng trông thấy thực tế càng sợ. Y sợ cuộc đời và cuộc đời cũng sợ y” (Nguyễn Tuân). Chính vì thế mà mối tình đầu muộn mằn của y với Va-ren-ca cũng không thành khi y đã ngoài bốn mươi. Cô giáo Va-ren-ca khoảng ba mươi tuổi mới về trường, thế là nữ thần ái tình đến gõ trái tim Bê-li-cốp. Trên bàn trong ngôi nhà “chật như cái hộp”, hắn trân trọng đặt tấm ảnh người đẹp. Ý định lấy vợ dần choán ngợp tâm hồn hắn, nhưng vì quen sống trong bao nên hắn cứ lần lữa đắn đo, suy tính, lúc nào mặt mày cũng nhợt nhạt đáng thương. Dư vị chua cay, hài hước của câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn. Bê-li-cốp chẳng gặp “hên” một chút nào! Ngày chủ nhật, thầy trò cả trường trung học tổ chức cùng đi ra ngoài thành phố vào rừng chơi. Nhưng anh chàng Bê-li-cốp đã bỏ về giữa chừng. Lí do vì giữa đường hắn bất ngờ thấy hai chị em Va-ren-ca cưỡi xe đạp vụt qua. Cô chị “mặt mày ửng đỏ... vui vẻ, hớn hở” gào to: “Trời hôm nay đẹp thật, đẹp tuyệt, đẹp ghê gớm!”. Bê-li-cốp “ngẩn người ra”, như bị choáng, bị ma ám: “Chẳng lẽ giáo viên và đàn bà, con gái lại có thể cưỡi xe đẹp, làm như thế coi sao tiện?". Hắn là một kẻ cổ hủ đáng cười? Hay một nhà mô phạm đang bảo vệ nền đạo đức chính thống? Tối hôm đó, dù đang tiết mùa hạ, nhà đạo đức bèn “mặc áo ấm” lần mò đến nhà hai chị em Va-ren-ca. Cô chị đi vắng, hắn chỉ gặp được người em Cô-va-len-cô. Hắn khẳng định nhân cách “tử tế, đứng đắn” của mình. Lấy tư cách là “bạn đồng nghiệp đi trước”, hắn nhắc nhở kẻ “mới bắt đầu đi làm” đôi điều. Hắn chê trách việc đi xe đạp của hai chị em Va-ren-ca “hoàn toàn không hợp với tư thế của một nhà giáo dục thiếu niên”. Nếu thầy giáo mà đi xe đạp thì học sinh chỉ còn nước đi đầu xuống đất. Nhất là đàn bà con gái như Va-ren-ca mà đi xe đạp thì quả là chuyện kinh khủng. Với Bê-li-cốp, chỉ có những chỉ thị, thông tư, những bài toán quy định cấm đoán điều này, điều nọ “mới là rõ ràng, quan trọng”. Vì vậy nếu không có chỉ thị nào cho phép thầy giáo được đi xe đạp thì không được làm. Sự bảo thủ bắt đầu từ trong ý nghĩ, quả đúng là như vậy. Những khuôn khổ, những luật lệ đã gò bó con người và chính những con người như Bê-li-cốp cũng tự nhốt mình trong những luật lệ ấy. Để rồi cuối cùng, khi chết đi lại cũng tự chui vào trong những luật lệ đó. Một tháng sau khi cãi vã với Cô-va-len-cô và bị ngã, Bê-li-cốp chết. Khi đã nằm trong quan tài, “vẻ mặt hắn trông hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh nữa, cứ hệt như hắn mừng rằng cuối cùng hắn đã được chui vào trong cái bao mà từ đó không bao giờ phải thoát ra nữa. Phải rồi, thế là hắn đã đạt được mục đích cuộc đời”. Bê-li-cốp chết là kết thúc cuộc đời một cá nhân, quan tài đựng thi thể y chính là cái “bao” kín đáo nhất. “Cái bao” vốn mang hàm nghĩa về một kiếp người, một lối sống, một xã hội đen tối, tù túng, nặng nề mà không sao thoát được. Và “Người trong bao” lại châm biếm một loại “linh hồn chết” trong xã hội Nga cuối thế kỉ XIX, một hình tượng có tính ẩn dụ vô cùng độc đáo để phản ánh bộ phận trí thức sống lạc hậu, nô lệ, bạc nhược, ươn hèn. Qua đó, nhà văn lên án, đả kích chính cái đã sản sinh ra bộ phận trí thức bạc nhược, ươn hèn, sống cuộc đời chật hẹp quẩn quanh tù túng ấy: Chế độ xã hội Nga hoàng cuối thế kỉ XIX.
         Cái chết của Bê-li-cốp là hậu quả tất yếu của cách sống, kiểu sống đó. Nhưng liệu có chôn vùi được kiểu người “trong bao” không? Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái khi thoát khỏi hắn, thoát khỏi sự ngột ngạt của những quy ước, luật lệ. Thế nhưng chỉ là phút chốc thôi. Cuộc sống lại trở về nhịp điệu cũ, mệt mỏi, nhàm chán, vô vị và nặng nề dù không bị chỉ thị nào cấm đoán. Bởi lẽ gì? Vì trong thực tế xã hội ấy còn bao nhiêu con người Bê-li-cốp? Và “trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu người như thế nữa”?. Chí Phèo đã về chầu âm phủ nhưng Thị Nở vẫn còn, và cái lò gạch cũ vẫn còn đó! Tất nhiên để có thể xoá đi những con người ấy thì xã hội cần thay đổi. Không phải một cá nhân con người nào mà là cả một lớp người, cả xã hội. Phải chăng đó cũng là động lực cho sự bùng nổ của Cách mạng Tháng Mười sau này? Sê-khốp đã chỉ rõ: lối sống tầm thường, hủ lậu, giáo điều đã đầu độc con người, đầu độc cuộc sống, sẽ gây bao hậu quả nặng nề, sẽ tồn tại dai dẳng trong xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, đọc Sê-khốp, chúng ta thấy “phảng phất đâu đây nụ cười buồn buồn của một tâm hồn biết yêu thương”, “Tiếng thở dài khẽ sâu của một trái tim trong sạch” (M.Gorki). Phê phán những nhược điểm, tật xấu của Bê-li-cốp, cảm thương cho số phận của những con người sống trong môi trường ngột ngạt, thối nát xã hội Nga đương thời, đồng thời ta có dịp “tự đi tìm bóng mình và soi vào bóng người” (Lỗ Tấn) nhằm vươn tới một cuộc sống lành mạnh, ý nghĩa hơn. Cuối thế kỷ XIX, thế giới đã có những bước chuyển mình vĩ đại, nước Nga cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Sự biến đổi ấy hẳn sẽ gây nên những rối loạn trong đời sống xã hội. Đối với những con người còn mang trong mình tư tưởng cũ như Bê-li-cốp, tàn dư của chế độ Nga hoàng chuyên chế thì điều đó là khó có thể chấp nhận. Bê-li-cốp lúc nào cũng ngợi ca quá khứ, quá khứ là huy hoàng và là cái ô che chở giúp hắn trốn tránh cuộc sống thực tại. Đó là sự bảo thủ đến cố chấp! Quá khứ là lịch sử. Giữ gìn và bảo vệ quá khứ là tốt, song bảo vệ không đồng nghĩa với bảo thủ. Ở xã hội Việt Nam, vào những năm 30 - 45 khi làn gió Âu hoá tràn vào cũng đã gây nhiều biến động. Một số người tiếp thu nó và một số người chống lại. Mặc dù vậy không có nghĩa là bảo thủ, đóng kín hoàn toàn và tiếp nhận tất cả. Cần bảo vệ cái gọi là bản sắc và tiếp thu những tinh hoa, những giá trị mới để phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.
           Tính chất điển hình của Người trong bao không dừng ở nước Nga, ở châu Âu mà còn vượt qua biên giới quốc gia, châu lục, vượt qua thời đại, để đến với những châu lục khác, thời đại khác, và luôn mới mẻ. Từ cái bao của Bê-li-cốp, Sê-khốp đã nói tới những cái bao hữu hình cũng như vô hình khác, và những cái bao vô hình thì luôn nhiều hơn, khủng khiếp hơn và đáng sợ hơn. Những cái bao ấy “hiện còn bao nhiêu”, “trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu”, chính đây mới là điều đáng nói! Đúng như bác sĩ I-van nói ở cuối tác phẩm: “Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt. Chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc - những cái đó không phải là một thứ bao sao? Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa - đó chẳng phải là một thứ bao sao?”. Và I-va-nứt kết luận: “Không thể sống mãi như thế được!”, câu nói ấy như lời kêu gọi và là động lực, niềm tin tươi sáng vào sự phát triển của dân tộc. Trong buổi hoàng hôn ảm đạm của nước Nga, Sê-khốp đã dũng cảm loại bỏ cái xấu xa, hèn kém của chế độ Nga hoàng, điều đó khẳng định ông là bậc thầy của văn học cách mạng hiện thực Nga cuối thế kỉ XIX và:“là một viện trợ quốc tế lớn cho chúng ta, cho xã hội chúng ta đang đòi tiến mạnh” (Nguyễn Tuân)
                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) M. Gorki, Bàn về văn học. Tập 1. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.48-49.
(2) A.P.Truđacốp, Thi pháp Sêkhốp, Nxb. Khoa học, Matxcơva, 1971, tr.175-179.
(3) Phan Hồng Giang, Sêkhốp, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1977, tr. 138-141.
(4) Trần Thị Phương, Đọc Chekhov - sự tiếp nhận đa diện. Báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học kỉ niệm 100 năm ngày mất A. Chekhov (29.1.1860 – 15.7.1904), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2004.
 

Tác giả: Như Ý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi