Con chó trong tâm thức dân gian

Thứ hai - 05/03/2018 03:30
Trong tâm thức dân gian người Việt, con chó mang hai nét nghĩa biểu trưng nổi trội liên quan nhau. Nói đến chó là nói đến lòng trung thành và mặt trái, mặt tiêu cực của tính cách này là thân phận tôi đòi hèn mọn.
Hình ảnh từ internet
Hình ảnh từ internet
     
          1. Ý nghĩa biểu trưng đầu tiên: con chó tượng trưng cho sự trung thành. Ý nghĩa này hình thành từ những quan sát thực tế khi con người thuần dưỡng loài chó. Con chó nuôi trong nhà bao giờ cũng rất mực trung thành với chủ, hiểu theo nghĩa là người cho ăn và chăm sóc nó, người trong gia đình gần gũi nó trong sinh hoạt hàng ngày. Nó nguẩy đuôi mừng rỡ khi chủ đi đâu về, nó quấn quýt bên cạnh… là biểu hiện của tình cảm yêu mến. Có lẽ những biểu hiện này chưa thể gọi là trung thành. Nhưng điều sau đây mới đáng chú ý: chó có thể cắn người lạ trong một số tình huống nhất định nhưng trong mọi cảnh ngộ (bị chủ đánh, bị chủ làm đau…) nó đều phản ứng theo hướng phục tùng. Chẳng hạn, bị làm đau thì nó bỏ chạy ra xa… nhưng sẽ trở lại. có những chú cho đa tình rong ruổi theo những “giai nhân” xứ lạ hoặc vì một lí do nào đó phải “xa nhà” (nhiều trường hợp bị kẻ trộm bắt) thì rốt cuộc nó cũng tìm về với chủ cũ. Có lẽ vì vậy mà dân gian bảo rằng “lạc nhà nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Dù thế nào đi nữa thì thái độ của tác giả dân gian đối với con vật trên đã rõ ràng: con chó được xem trọng… Trong truyện ngụ ngôn, thái độ này gắn với cái nhìn đạo đức: nếu con mèo tượng trưng cho loại người đạo đức giả, cố tạo vẻ bên ngoài đạo mạo, đường bệ, có khi là hiền lành để che đậy sự thiếu hụt lòng trung tín hoặc những toan tính bẩn thỉu bên trong (truyện “Mèo ăn chay”). Trong khi đó con chó tượng trưng cho người trung thực. Éo le thay, chó thường phải bị đòn oan đến đỗi khóc rằng:
“Trời ơi có thấu chăng trời,
Mèo thì ăn mỡ, chó thời đòn oan…
Con mèo đập vỡ nồi rang,
Con chó chạy lại mà mang lấy dùi”
(truyện “Chó phải đòn oan”) [3, 291-292]
          Lòng trung thành, “lối sống” trọng nghĩa nặng tình của chó từng được thể hiện trong thần thoại người Việt. Đó là hình ảnh con chó trong truyện “Sự tích thằng Cuội cung trăng”. Con chó vì chịu ơn cứu mạng trước đây đã tình nguyện tặng chú Cuội bộ ruột để Cuội cứu vợ. [2, 217]
          Truyện “Con chó có nghĩa” in trong Truyện cổ nước Nam mang màu sắc ngụ ngôn rất đậm, với ba nhân vật: Ông chủ nhà, con chó và con mèo. Truyện thể hiện triết lí sống trung thành qua nhân vật con chó trong sự tương phản với con mèo, và dĩ nhiên đây là sự tương phản giữa hai loại người trong đời sống xã hội. Khi con chó bị chủ nhà mắng một cách vô lí, mèo đã bảo chó rằng: “Ông chủ ông ấy ăn ở với mày bạc thế, mày cứ bỏ mày đi đâu thì đi có hơn không?”. Con chó đã lấy cái nghĩa làm trọng: “Chó gầy,… xấu mặt người nuôi”. Ta bỏ chủ ta đi thì không phải nghĩa”. [3, 335-336].
        
        2. Quyển Truyện cổ nước Nam của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (phần đầu in năm 1932, phần sau in năm 1934), phần sau - Muông chim gồm 127 truyện, trong đó có 10 truyện mà nhân vật “con chó” xuất hiện trên tựa đề. Về thể loại hầu hết các truyện này vừa là cổ tích loài vật vừa là ngụ ngôn (trừ truyện “Chó ba cẳng”).

          Cùng với tính cách trung thành như đã nói ở trên, nhân vật chó trong những truyện này là hình ảnh của thân phận kẻ tôi đòi, khổ và nhục (các truyện “Con chó vàng và con chó đen”, “Chó phải đòn oan”, “Con trâu ghen với con chó”), người bé cổ thấp họng, hiền lành cam chịu (truyện “Con gà, con lợn và con chó”), người tham lam và ngu xuẩn (truyện “Con chó và mặt trăng”).
          Trong lời ăn tiếng nói thời hiện đại, nhóm từ chứa yếu tố “chó” thường được dùng phổ biến với sắc thái biểu cảm âm tính: chó săn, chó ghẻ, chó đẻ, chó điên, chó chết… Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988) giải thích như sau:
          - Chó: Gia súc thuộc nhóm ăn thịt, nuôi để giữ nhà hay đi săn: thường dùng để ví kẻ ngu, kẻ đáng khinh miệt và làm tiếng mắng nhiếc.
          - Chó cắn áo rách: ví tình trạng đã nghèo khổ lại còn bị mất của, thiệt hại.
          - Chó chết: tiếng rủa.
          - Chó cùng rứt giậu: ví tình trạng bí quá, cùng quá phải làm liều, làm điều xằng bậy.
          - Chó ghẻ: ví kẻ bị ghét bỏ, coi như là vật đáng ghe tởm.
          - Chó đểu: đểu giả hết sức (thường dùng làm tiếng chửi).
          - Chó má: chó (nói khái quát); thường dùng để ví và làm tiếng chửi những kẻ đểu giả, xấu xa, mất hết nhân cách.
          - Chó ngáp phải ruồi: ví trường hợp không có tài năng, chỉ nhờ may mắn hiếm có mà đạt được cái gì.
          - Chó săn: chó chuyên dùng vào việc đi săn; Kẻ làm mật thám, chỉ điểm, giúp cho thực dân, đế quốc lùng bắt người cách mạng.
          Nhóm từ “chó săn” trong văn chương trào phúng, dùng để bày tỏ thái độ khinh bỉ đối với những kẻ làm tay sai cho người khác mà không hề biết đến liêm sỉ. Đứng trên lập trường dân tộc, nhóm từ này được dùng phổ biến chỉ những Việt gian theo giặc trong các thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Bài thơ ngụ ngôn “Con chó săn” lưu hành ở các tỉnh Trung bộ trong những năm 30 nhằm lên án, đả kích bọn mật thám làm tay sai cho thực dân Pháp:
… Chẳng nghĩ tới tổ tông ngày trước
Nỡ làm điều nhơ nhuốc khó coi
Đêm ngày rình bắt giống nòi
Cho người làm thịt cho người lột da… [4, 113].
          Tuy nhiên, trong truyện ngụ ngôn hình ảnh “chó săn” đáng thương hơn. Chúng cũng là nạn nhân của nhân vật “ông chủ”, bị hành hạ thậm chí là bị nhân vật “con mèo” tinh ranh lừa như trong truyện “Con thỏ, con chó và con mèo”. Truyện kể rằng, con chó đã từng săn được một con thỏ cho ông chủ nuôi trong lồng. Bỗng một hôm, thỏ sổ lồng đi mất. ông chủ cứ đổ tội, la mắng chó. Theo lời mèo, cho vào bồ lúa tìm chuột để “làm sáng tỏ vấn đề”. Cuối cùng, nhờ chó mà mèo được ăn chuột một bữa no nê” [3, 314-316].
          Nếu ai đã từng nuôi chó, từng ngậm ngùi khi phải chào vĩnh biệt nó thì có thể dễ dàng nhận ra rằng, lòng trung thành và tính ích dụng của loài chó đối với con người rất đáng trân trọng. Có phải chăng, người Việt thời cổ (qua thần thoại và ngụ ngôn) đã thiên về mặt tốt con người hiện đại (qua lối nói và cách tư duy) đã thiên về khía cạnh xấu của “tính cách chó”. Trong khi đó, “đạo đức, phẩm chất chó” lại mang tính nước đôi như tác giả “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” ghi nhận: “Ở Viễn Đông, ý nghĩa biểu tượng của chó là hai chiều đối nghịch về bản chất: lành, bởi vì chó là bạn gần gũi của con người và canh gác cảnh giác nhà cửa của người; dữ, bởi ví nó có họ hàng với chó sói và chó núi, nó được xem như con vật bẩn thỉu và đáng khinh. Cả hai bình diện này không ứng với bất kỳ một ranh giới địa lý nào, mà đều có tính phổ biến như nhau”. [1,185]
_________
          Tài liệu tham khảo
          1. Jean Chevalier, Alain Gheebrant (1997) - Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới(nhiều người dịch), NXB Đà Nẵng, Hà Nội.
          2. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế (1995) - Kho tàng thần thoại Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội.
          3. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1990) - Truyện cổ nước Nam, NXB Khoa học xã hội.
          4. Minh Hạnh, Phan Hồng Sơn (1986) - Truyện ngụ ngôn Việt Nam, NXB Văn học.

Tác giả: TS. Trần Văn Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Copyright © Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. All rights reserved. 
ĐC: 188/35A Nguyễn Văn Cừ - Q.Ninh Kiều - Tp Cần Thơ. Điện thoại: 0292 3899.027
Chịu trách nhiệm: T.S Trần Văn Nam - Phụ trách kỹ thuật: Nguyễn Minh Hoàn
Phụ trách nội dung: Lưu Ngọc Hiền - Phụ trách đồ họa: Bùi Thị Thanh Tâm - Logo: Đông Phương
Phụ trách hình ảnh: Trần Đức Thông - Và toàn thể cán bộ, giáo viên Trường
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi