Việc xây dựng một nền giáo dục an toàn và lành mạnh, đảm bảo và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục là mục tiêu cần nhanh chóng đạt được của ngành giáo dục. Với nhà trường ở các cấp học, bậc học khác nhau, điều kiện kinh tế - văn hóa, xã hội khác nhau sẽ có cơ chế chính sách, sự chỉ đạo khác nhau.
Ngành giáo dục cần có chương trình và tài liệu riêng, chuyên sâu về công tác quản lý phát triển văn hóa nhà trường đồng thời có sự hỗ trợ về kinh phí đối với các hoạt động phát triển VHNT, lập kế hoạch thanh tra trường học để đánh giá mức độ quản lý phát triển VHNT, xếp loại thi đua của các trường trong từng giai đoạn và khu vực.
Những cán bộ quản lý giáo dục phải được bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng , chuyên môn và nghiệp vụ để có cách quản lý linh hoạt tùy theo thời điểm, từng nhà trường trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Sự ra đời các thiết bị của thế giới hiện đại như Laptop, Smartphone, máy tính bảng….đã tạo điều kiện cho thế hệ trẻ trong nhà trường phát huy tối đa khả năng tìm tòi, khám phá bản thân và thế giới xung quanh mình một cách cởi mở và tự tin hơn, tiếp thu những giá trị văn hóa trên phạm vi rộng chứ không chỉ giới hạn trong gia đình và nhà trường, từ đó khả năng ứng dụng những kiến thức học vào thực tiễn cao. Học sinh biết quý trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè, không ngừng học tập và phấn đấu với tinh thần hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, VHNT còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối bị dư luận lên án như: Hiện tượng “phi văn hóa” trong giao tiếp, ứng xử xã hội, bạo lực học đường, sự thờ ơ vô cảm... Thầy giáo, cô giáo vừa đánh, vừa chửi học sinh một cách thô lỗ; Học sinh đánh nhau bằng dao, kéo, gạch đá… rồi quay những clip phản cảm tung lên mạng xã hội. Những vấn đề trên đang tạo nên những quan ngại sâu sắc về sự thay đổi của môi trường giáo dục - một kiểu môi trường vốn được coi như là cái nôi nuôi dưỡng và thành trì bảo vệ đạo đức xã hội. Những thách thức trên đưa ra yêu cầu cấp thiết cho các nhà trường cần phải xây dựng kế hoạch giáo dục, hình thành những giá trị, niềm tin và các chuẩn mực xử sự thích hợp để học sinh có một nền tảng vững chắc cho sự phát triển, không bị ảnh hưởng lệch lạc bởi các yếu tố bên ngoài.
Để việc quản lý văn hóa nhà trường hiệu quả, các bước cần tiến hành như sau:
- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm và đề cao tầm quan trọng của người lãnh đạo. Nếu không nắm vững kiến thức, không có trách nhiệm, không có cái Tâm, người lãnh đạo sẽ không thể làm tốt việc quản lý, đề xuất hướng đi, điều hành đội ngũ quản lý trong tay mình.
- Bước thứ hai, là phải đánh giá được tình hình văn hóa hiện tại và xác định những yếu tố văn hóa nào cần thay đổi. Muốn có sự đánh giá khách quan, các cán bộ quản lý văn hóa cần xét trong hoàn cảnh cụ thể, cá nhân cụ thể, đưa ra các tình huống giáo dục khác nhau và các cách tiếp cận khác nhau để đánh giá.
- Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý phát triển VHNT như: Điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương; Đặc thù và điều kiện của nhà trường trong giai đoạn hiện tại; Năng lực quản lý của ban lãnh đạo nhà trường; Cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo của ngành giáo dục…. Từ đó, cán bộ quản lý sẽ tìm ra yếu tố nào là điểm nhấn quan trọng cần xoáy sâu, việc lập kế hoạch sẽ có những thuận lợi gì để triển khai và khó khăn gì để tìm cách khắc phục.
- Soạn thảo một kế hoạch phát triển phù hợp. Điều đáng lưu ý khi soạn thảo kế hoạch là phương án hành động phải cụ thể, chi tiết tới từng việc, từng người, phù hợp với các điều kiện thời gian và nguồn lực khác để thực thi kế hoạch có hiệu quả.
Tổ chức kế hoạch phát triển VHNT
Để tổ chức hiệu quả từng bước các hoạt động cần có sự sắp xếp, phân phối các nguồn lực, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên trong tổ chức từ sự phân công cụ thể trong ban lãnh đạo đến các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đảng ủy, Khoa, Phòng ban chức năng, lực lượng giảng viên và các thành viên khác trong nhà trường. Cụ thể hơn:
- Đối với Ban giám hiệu nhà trường
Ban giám hiệu nhà trường, đứng đầu là thầy hiệu trưởng, là bộ máy quản lý phát triển VHNT. Thầy hiệu trưởng sẽ cùng các thầy cô trong ban giám hiệu phân công nhiệm vụ, hướng dẫn triển khai kế hoạch . Trong quá trình triển khai, Ban giám hiệu nhà trường cần theo sát tất cả các hoạt động, điều chỉnh đi đúng hướng kế hoạch đã đề ra, sau đó kiểm tra đánh giá kết quả. Ban giám hiệu nhà trường dựa trên quyền hạn và trách nhiệm của mình có thể tác động đến các Ban, ngành địa phương hỗ trợ thêm về kinh phí để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật trong nhà trường, tạo một nền tảng phát triển văn hóa đi lên theo hướng khoa học và hiện đại.
- Đối với đội ngũ giáo viên
Đội ngũ giáo viên trong nhà trường là đội ngũ trực tiếp triển khai kế hoạch phát triển VHNT dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu.
Đối với bản thân, các thầy cô cần thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra bằng tất cả tâm huyết của mình, trau dồi ký năng và chuyên môn qua các phương tiện truyền thông, luôn luôn phát triển tư duy đổi mới và kỹ năng sáng tạo.
Đối với đồng nghiệp, các giáo viên phải luôn có sự gắn kết hài hòa, sự phân công nhiệm vụ rõ ràng tránh những vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên với những điểm mạnh nổi bật, những năng lực vốn có, sẽ hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, các thầy cô cần học hỏi kinh nghiệm của nhau trên cơ sở sáng tạo thành cái của riêng mình, không nên có thái độ bảo thủ hoặc dập khuôn ý tưởng của người khác.
Đối với học sinh, giáo viên trước hết phải là tấm gương sáng tạo động lực học tập cho học sinh, đồng thời phải biết gần gũi, yêu thương và chia sẻ với học sinh trong những điều kiện, hoành cảnh, cá nhân cụ thể. Việc triển khai các hoạt động trong kế hoạch phát triển văn hóa cần có sự chủ động sáng tạo không ngừng. Ví dụ về mục tiêu phát triển văn hóa ứng xử cho học sinh, thầy cô có thể lồng ghép các quy tắc ứng xử văn hóa đã đề ra vào trong các hoạt động giáo dục hàng ngày, lồng ghép trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để học sinh tiếp thu hào hứng và có hiệu quả.
Đội ngũ giáo viên cũng cần kết hợp với phụ huynh học sinh cùng thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa nhà trường.
● Đối với học sinh, sinh viên
Đối với học sinh, sinh viên trong nhà trường, việc nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ các hoạt động phát triển VHNT là điều đầu tiên kể đến. Dưới sự dẫn dắt của các thầy cô giáo, học sinh tham gia các hoạt động trên tinh thần tự ý thức, tập trung tìm tòi và sáng tạo những điều mới lạ, hào hứng tiếp thu những kiến thức từ thầy cô, bè bạn, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao và phát triển bản thân.
Mục tiêu cuối cùng để phát triển VHNT chính là xây dựng được hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống văn hóa trong nhà trường. Chính vì thế, việc tiếp nhận, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường của học sinh, sinh viên tạo nên một nền tảng thuận lợi để tiếp nhận những giá trị văn hóa khác trong nhà trường.